Multimedia Đọc Báo in

PCI không còn là câu chuyện của riêng ai!

08:31, 13/06/2024

Nỗ lực cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang trở thành cuộc đua và là xu hướng chung của cả nước. Vì vậy để có được thứ hạng như mong muốn cần có sự cải cách mạnh mẽ cũng như sự chung tay của tất cả các sở, ngành, địa phương.

Không nỗ lực "suông”

Nhiều năm nay, PCI trở thành “thước đo” đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Năm 2023, PCI của Đắk Lắk xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 9 bậc, 3,55 điểm so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này chưa phải thứ hạng tỉnh mong muốn.

Trong nhiều cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số PCI để Đắk Lắk không chỉ là điểm đến của nhà đầu tư mà còn là nơi DN muốn gắn bó lâu dài.

Một doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Trước đó, sau khi công bố kết quả năm 2022, PCI của tỉnh giảm mạnh so với năm 2021 (giảm 26 bậc), xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố, tỉnh đã tăng cường thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về Nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 - 2025 và yêu cầu tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN; giảm chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai; tăng cường tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho DN.

UBND tỉnh còn đề ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng thiết chế pháp chế, an ninh trật tự; hỗ trợ DN, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN. Đặc biệt là nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, cải thiện cảm nhận của DN về chất lượng phục vụ hành chính công của tỉnh. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành nâng cao chất lượng đào tạo lao động.

Quan trọng hơn, tỉnh phân công cơ quan đầu mối theo dõi, phối hợp thực hiện đối việc cải thiện từng chỉ số thành phần trong PCI. Đối với một số đơn vị liên quan trực tiếp đến những chỉ tiêu cụ thể, UBND tỉnh phân rõ trách nhiệm. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc cải thiện các chỉ số thành phần, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân.

Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành công văn về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện PCI. Theo đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành phải đẩy mạnh CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình thực hiện, tăng tỷ lệ người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC, nhất là các TTHC về đăng ký DN, cấp phép kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, phòng cháy chữa cháy…

Cộng đồng trách nhiệm

Để việc nâng cao Chỉ số PCI không phải là nhiệm vụ của riêng bất cứ một ngành, cơ quan nào, ngoài tổ chức cuộc họp, hội nghị đánh giá, tập huấn nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc nâng cao Chỉ số PCI, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể, đặc biệt là tăng cường đối thoại với cộng đồng DN, đảm bảo chất lượng, thực chất, hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ DN gia nhập thị trường thuận lợi nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết một số TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký DN. Đơn vị đã đề nghị các sở, ngành, địa phương báo cáo đánh giá kết quả Chỉ số PCI năm 2023 và đề xuất giải pháp cải thiện Chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, qua đó tác động tích cực trở lại đối với PCI.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh miễn phí cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Đơn cử với Sở Khoa học và Công nghệ, bên cạnh triển khai các giải pháp thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 - 2025, đơn vị đã đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PCI năm 2024, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, cần tuyên truyền TTHC đến tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình thức và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Hỗ trợ các DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Duy trì tốt dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Hay như Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, với phương châm luôn đồng hành, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã và đang tích cực, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của cấp trên kịp thời đến DN. Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc của DN đều được Ban Quản lý xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Về vấn đề nâng hạng PCI, đại diện nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh chia sẻ, việc phân định “rõ người, rõ việc” sẽ “buộc” từng đơn vị phải có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chỉ số này, hạn chế được tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc quy trách nhiệm cho một đơn vị chủ công.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Tuyên cho rằng, song song với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DN, tỉnh cần phải xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN. Việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật cần đảm bảo tính ổn định, nhất quán. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp. Từ đó, cải thiện mạnh mẽ sự đánh giá, cảm nhận của DN về tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh. Hơn hết, phải cộng đồng trách nhiệm, xem nhiệm vụ nâng hạng PCI là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Lắk năm 2023 - 2025, phấn đấu đưa PCI của tỉnh xếp thứ hạng từ mức trung bình trở lên và các chỉ số thành phần PCI đạt điểm số trên 6.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.