Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, học tập hệ thống lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:30, 25/07/2024

Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng phù hợp với thực tiễn của Đảng, đất nước, dân tộc. Việc nghiên cứu, quán triệt, học tập hệ thống lý luận của Tổng Bí thư đóng vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ hệ giá trị tư tưởng, đường hướng phát triển đất nước.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN THÀNH DŨNG, Tỉnh ủy viên, giảng viên cao cấp, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk.

TS. Nguyễn Thành Dũng.

♦ “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” – câu nói này đã trở thành “tuyên ngôn” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được lan truyền rất rộng rãi và ủng hộ của nhân dân. Từ góc độ lý luận chính trị, tuyên ngôn này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Trong công cuộc cách mạng của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, Người đã đặt ra yêu cầu cho cán bộ, đảng viên phải biết giữ “thanh danh của Đảng”, “danh giá của mình” và “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những luận điểm sâu sắc và yêu cầu cán bộ, đảng viên cần khắc cốt, ghi tâm lời thề trước Đảng, trước nhân dân, đồng thời khẳng định: “Hãy giữ danh thơm tiếng tốt”, “Còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Đặc biệt, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay, ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về “Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới”. Đây là văn kiện quan trọng, làm cơ sở để cấp ủy các cấp tiếp tục cụ thể hóa xây dựng chuẩn mực đạo đức của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy phẩm chất đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội trước tình hình mới.

♦ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có tầm nhìn và phát triển lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đóng góp này có giá trị và ý nghĩa rất lớn, đồng chí có thể chia sẻ thêm về điều này?

Một trong những điểm nổi bật trong hệ thống lý luận, đóng góp của Tổng Bí thư là tư duy lý luận trong phát triển kinh tế: thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” là bản chất và định hướng tốt đẹp về bản chất xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn là không thay đổi. Nền kinh tế thị trường ở đây được vận dụng một cách nhuần nhuyễn, phù hợp để phục vụ các mục tiêu, định hướng của chủ nghĩa xã hội. Với những thành tựu, kết quả đã đạt được qua gần 40 năm đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước đã chứng minh cho sự định hướng và đường lối đúng đắn của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết tính đúng đắn này bằng sự khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thấu hiểu tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn quán triệt trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Ảnh: Nguyễn Gia

♦ Với hệ thống lý luận sắc bén được thể hiện qua nhiều tác phẩm có giá trị to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc quán triệt, học tập cũng như nghiên cứu đưa vào giảng dạy trong nhà trường như thế nào, thưa đồng chí?

Ngoài những tác phẩm như trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều tác phẩm có giá trị to lớn về mặt lý luận và thực tiễn như: “Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc"cây tre Việt Nam"”, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…

Nhà trường với chức năng chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh, để nghiên cứu, giảng dạy tốt thì việc quán triệt, nghiên cứu các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, chuyên môn, diễn đàn khoa học của nhà trường, cán bộ, giảng viên, viên chức được phổ biến và chủ động nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng trong các tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Các tác phẩm của Tổng Bí thư không chỉ cung cấp thêm những tri thức, cách tiếp cận mới mà đặc biệt còn truyền cảm hứng về trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Những giá trị từ các tác phẩm của Tổng Bí thư sẽ được giảng viên đưa vào những bài học liên quan và làm dẫn chứng trong quá trình giảng dạy.

♦ Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc