Multimedia Đọc Báo in

Góp sức cho vùng biên “chuyển mình”

08:22, 08/07/2024

Gắn bó mật thiết với nhân dân, người lính quân hàm xanh bền bỉ góp sức lực, trí tuệ để vùng biên từng bước “chuyển mình”…

Trên vùng đất khắc nghiệt

Ia Lốp và Ia R’vê là hai xã biên giới thuộc huyện Ea Súp, được thành lập từ năm 2006 theo chủ trương di dân phát triển kinh tế mới. Vùng đất khắc nghiệt do khí hậu, thời tiết khiến mùa khô nắng như nung, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên đạt mức trên 40 độ C; còn mùa mưa về, hai xã gần như bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, lốc xoáy.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn bà con vùng biên kỹ thuật chăm sóc lúa nước. Ảnh: Ngọc Lân

Ông Hà Văn Thanh, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Lốp nhớ như in những ngày đầu có mặt ở miền đất mới. Ông kể: “Khó khăn không thể nói hết bằng lời, thiếu thốn đủ bề. Dân cư lập nghiệp đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Những ngày đầu chưa có điện, bà con phải thắp đèn dầu; không có phương tiện; một trường nhưng ba cấp cùng học (mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở). Chưa kể, khác lạ về thời tiết, mùa khô nắng hạn, đất cằn sỏi đá khiến việc nuôi trồng sản xuất gặp thất bại… Thử thách nối tiếp thử thách khiến lòng dân ít nhiều bất an, lo lắng”.

Để giúp dân bám trụ biên cương, rất nhiều chủ trương và giải pháp đã được thực thi nơi biên ải. Về phía bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh, đơn vị luôn xác định bảo vệ biên giới phải dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân khu vực biên giới. Chính vì vậy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các đồn biên phòng đẩy mạnh công tác phối hợp các ngành ở cơ sở tham mưu và tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới vững mạnh, nhất là các xã mới thành lập như Ia R’vê, Ia Lốp.

Bộ đội Biên phòng giúp dân xây dựng nhà ở.

Đại tá Lê Xuân Đáng, nguyên Phó Chính ủy BĐBP tỉnh kể lại rằng: Sau khi khảo sát, bám nắm tình hình thực tiễn, BĐBP đã tham mưu cho địa phương củng cố, kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền đoàn thể, tập trung xóa thôn "trắng" đảng viên; tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác, sản xuất.

Người lính biên phòng bền bỉ có mặt ở địa bàn để vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hành tiết kiệm; tổ chức giúp dân lao động sản xuất, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; mở các lớp xóa mù chữ; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách…

Thầy giáo "quân hàm xanh" giúp dân vùng biên Ea Súp xóa mù chữ.

Đồng hành chia sẻ với nhân dân

Trong vô vàn hoạt động hướng về nhân dân, cơ sở, một trong những việc khó nhất là vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ.

Từng có gần mười năm gắn bó với hai xã Ia Lốp và Ia R’vê, Trung tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk chia sẻ: Năm 2011, anh được phân công về công tác tại Đồn Biên phòng Ia R’vê trên cương vị Đội trưởng Đội vận động quần chúng.

Quá trình bám nắm địa bàn, anh và đồng đội nhận thấy rất nhiều người dân nơi đây không biết chữ, trong đó đa phần người đã lớn tuổi. Vận động họ ra lớp rất khó, do người lớn thường bận lo cơm áo gạo tiền, lại tự ti, mặc cảm về việc tiếp thu chậm nên BĐBP phải đều đặn tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”.

Bộ đội vừa lấy ví dụ thực tế cho bà con hiểu được sự khó khăn khi không biết chữ, vừa sẵn sàng hỗ trợ kinh phí đi lại, tài liệu học tập, không nề hà việc giúp ngày công khi bà con thu hoạch mùa màng… để mong họ tới lớp đầy đủ.

Sự kiên trì ấy đã có kết quả, khi nhiều năm liền, 3 lớp xóa mù chữ do BĐBP tổ chức ở địa bàn các xã Ia Lốp, Ia R'vê đã thu hút 114 học viên tham gia. Sau khóa học, đa phần bà con đều biết đọc, viết, có thể làm được những phép toán thông thường; tự tin hơn trong cuộc sống thường nhật.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với già làng, người uy tín trong vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn biên giới. Ảnh: Ngọc Lân

Song hành và sát cánh, cứ như thế, người lính quân hàm xanh không chỉ hoàn thành xuất sắc việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia mà còn kiên trì đồng hành với các xã vùng biên, với đồng bào các dân tộc trên mọi mặt công tác: từ đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đến tham gia tích cực xây dựng củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới.

Chỉ riêng từ năm 2019 đến nay, BĐBP đã thêm khắc sâu tình quân - dân khi phối hợp triển khai hàng chục công trình dân sinh, hàng trăm ngôi nhà nghĩa tình, hàng chục nghìn phần quà; hỗ trợ hàng trăm lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường.

Bộ đội biên phòng giao lưu văn hóa văn nghệ với người dân xã biên giới Ia R'vê (huyện Ea Súp).

Trong tham gia xây dựng nông thôn mới, từ xuất phát số 0, đến nay các xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp đã đạt 12/19 tiêu chí, trong đó lực lượng BĐBP đã tham gia xây dựng 6 - 7 tiêu chí. Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của BĐBP, tạo niềm tin trong nhân dân, từng bước xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.