Nông dân ngậm ngùi nhìn lúa ngập trong biển nước
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cộng với nước ở các suối trên địa bàn đổ về và nước sông Krông Ana dâng cao, hàng trăm héc-ta lúa nước của nông dân huyện Lắk ngập chìm trong biển nước, đứng trước nguy cơ mất trắng.
Nguy cơ mất trắng hàng trăm héc-ta lúa nước
Vụ Hè Thu năm 2024, huyện Lắk gieo trồng tổng diện tích hơn 12.100 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 7.650 ha. Theo thống kê sơ bộ, tính đến trưa 22/7, toàn huyện có khoảng 930 ha lúa nước và hoa màu bị ngập úng. Trong đó, chủ yếu là cây lúa nước, tập trung ở các xã như Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Nuê và thị trấn Liên Sơn.
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 22/7, dù mưa đã ngưng nhưng nước sông Krông Ana vẫn tiếp tục dâng lên, nhiều cánh đồng ở các xã, thị trấn tiếp tục bị ngập. Tại cánh đồng Hòa Bình (xã Đắk Liêng) với tổng diện tích khoảng 400 ha đã có khoảng 70% diện tích bị ngập. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có hơn 300/950 ha lúa vụ Hè Thu bị ngập lụt. Không chỉ cây trồng, trên địa bàn còn có khoảng 50 căn nhà bị ngập cục bộ, hiện người dân đã dọn dẹp vệ sinh, di dời lương thực, tài sản đến những khu vực cao ráo, an toàn đề phòng lũ lớn.
Nước lũ dâng lên khiến một đoạn đường giao thông nội đồng ở xã Buôn Tría (huyện Lắk) bị ngập. |
Tương tự, các cánh đồng của xã Buôn Tría gồm cánh đồng 8/4, cánh đồng thôn Liên Kết và một số đoạn đường giao thông nội đồng ở địa phương cũng bị ngập nước. Với tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu năm nay hơn 900 ha, đến ngày 22/7 địa phương đã ghi nhận khoảng 350 ha cây trồng bị ngập lụt. Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Nguyễn Trọng Biết cho hay, hiện nay hầu hết lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên đối với diện tích bị ngập là đối diện với nguy cơ mất trắng hoàn toàn. Những ngày tới, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp thì diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ lớn hơn.
Còn tại xã Buôn Triết, những ngày đầu diện tích bị ngập không lớn, tính đến chiều 21/7 toàn xã chỉ có khoảng 40 ha lúa bị ngập, nhưng sau một đêm nước sông Krông Ana dâng cao, đến sáng 22/7 tổng diện tích cây trồng bị ngập toàn xã lên tới hơn 190 ha.
Nông dân sốt ruột chờ nước rút
Đứng từ xa nhìn đám ruộng ngập chìm trong nước, ông Huỳnh Văn Giác, trú thôn Hòa Bình, xã Đắk Liêng ngậm ngùi chia sẻ, vụ Hè Thu năm nay gia đình ông gieo sạ hơn 2 ha lúa nước, những tưởng thời tiết thuận lợi thì sẽ có một vụ mùa bội thu. Ai ngờ, đợt mưa lớn trong mấy ngày qua đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa đang trong thời kỳ làm đòng, nếu vài ngày tới nước không rút thì sẽ mất trắng hoàn toàn. Ông Giác nhẩm tính, mỗi héc-ta, nông dân phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng chi phí từ tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công làm đất. Thế là bao nhiêu vốn liếng, công cán trở thành công cốc sau cơn bão đầu mùa. Hiện nay nước từ các suối vẫn đổ về và nước sông Krông Ana vẫn tiếp tục dâng cao nên vùng thấp trũng như thửa ruộng của gia đình ông rất khó cứu vãn.
Dự đoán năm nay thời tiết diễn biến bất thường, gia đình chị Phạm Thị Gấm ở thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría đã ưu tiên chọn giống lúa ngắn ngày và gieo sạ sớm để tránh lũ tiểu mãn. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, chỉ sau mấy ngày mưa lớn, hơn 1 ha lúa của gia đình chị đã ngập chìm trong nước. Trong đó, 4 sào ở cánh đồng 8/4 dự kiến chỉ khoảng hai tuần nữa là thu hoạch, gia đình chị đang trông chờ nước rút từng ngày để vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Còn đối với diện tích lúa trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, nếu ngâm nước một tuần thì không còn hy vọng.
Toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông Huỳnh Văn Giác (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) bị ngập trong nước. |
Mấy ngày qua, ngày nào anh Bùi Văn Thể, trú thôn Hưng Giang, xã Buôn Tría cũng ra thăm ruộng với hy vọng nước rút nhanh để lúa có cơ hội hồi phục. Thế nhưng, đến nay là ngày thứ tư liên tiếp hơn 1 ha lúa của gia đình anh ngập sâu trong nước. Làm nông, gắn bó với cây lúa hàng chục năm nay, năm nào đến vụ Hè Thu nông dân trồng lúa ở vùng Buôn Tría, Buôn Triết cũng thấp thỏm lo âu các cơn lũ ập đến. Điều đáng buồn, cánh đồng nằm sát công trình đê bao ngăn lũ nhưng dự án triển khai ì ạch, làm mãi chưa xong nên nông dân vẫn chưa được hưởng lợi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, địa phương theo dõi tình hình thực tế, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời giao UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh, ứng phó. Khi có sự cố xảy ra, tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc