Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn ở huyện biên giới Ea Súp
Thời gian qua, huyện Ea Súp đã chú trọng phát triển hạ tầng thương mại nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi diện mạo nông thôn.
“Phố chợ” ở vùng biên
Trước đây, chợ cũ Ea Rốk có gần 300 tiểu thương kinh doanh, buôn bán nhưng chợ đã sử dụng nhiều năm nên xuống cấp, nhếch nhác.
Năm 2022, Hợp tác xã Đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Ea Rốk được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu chợ mới. Công trình có diện tích 7.500 m2, với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.
Đây là chợ hạng 3, chợ truyền thống kết hợp hiện đại, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9211-2012 về chợ, gồm 45 căn kiot 2 tầng, 36 căn kiot 1 tầng và 102 quầy sạp. Nhà đầu tư đã xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện đại, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cấp nước sinh hoạt, xử lý rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Chợ Ea Rốk được đánh giá là một trong những chợ đẹp và có hạ tầng kỹ thuật tốt nhất trên địa bàn tỉnh. |
Chị Lê Thị Huyền Duy (tiểu thương kinh doanh trong chợ) cho biết, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa mà có được khu chợ khang trang, hiện đại nên người buôn bán rất vui. Chợ mới được thiết kế khoa học, đẹp mắt, bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Điều mà các tiểu thương yên tâm nhất là hệ thống PCCC được xây dựng bài bản nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ xảy ra.
Còn chị Trần Thị Thu (người dân thôn 6, xã Ea Rốk) chia sẻ, chợ mới được xây dựng quy mô, sạch sẽ nên việc mua sắm của người dân thuận lợi. Hàng hóa ở đây không thiếu thứ gì, được phân khu riêng biệt nên lựa chọn mua hàng dễ dàng. Chợ hoạt động liên tục cả ngày, xung quanh chợ vào buổi tối còn có các dịch vụ giải khát, ăn uống và cả khu vui chơi trẻ em sôi động như một… phố chợ.
Tập trung xã hội hóa chợ nông thôn
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, chợ Ea Rốk giúp tiểu thương có nơi kinh doanh an toàn, bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, PCCC và vệ sinh môi trường. Dự án này cũng đã tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hơn nữa, chợ tọa lạc tại vị trí trung tâm cụm xã Ea Rốk, giáp với 4 xã là Ea Lê, Cư Kbang, Ia R'vê và Ia Jlơi nên có vai trò như chợ đầu mối, giao thương 5 xã, phục vụ cho dân số gần 700 nghìn người. Thời gian tới, cùng với Cửa khẩu Đắk Ruê được khai thông, hứa hẹn sẽ phát triển các hoạt động buôn bán, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.
Hoạt động mua bán tại một khu chợ nông thôn trên địa bàn huyện Ea Súp. |
Huyện Ea Súp có 10 xã, thị trấn nhưng hiện chỉ có 3 chợ đang hoạt động kinh doanh gồm: Chợ trung tâm huyện Ea Súp, chợ trung tâm xã Ea Lê, chợ trung tâm cụm xã Ea Rốk. Ngoài chợ Ea Rốk, các chợ khác được xây dựng đã lâu, cơ sở hạ tầng không bảo đảm. Đối với chợ trung tâm xã Ea Bung, chợ trung tâm xã Cư Kbang được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 mới chỉ có khu nhà lồng mà chưa có các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: nhà vệ sinh, giếng, đài nước, đường nội bộ nên tiểu thương và người dân không vào sinh hoạt mua bán được.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, xã hội hóa các chợ nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nông thôn khang trang, đồng bộ. Cụ thể, huyện tập trung mời gọi nhà đầu xây dựng chợ trung tâm huyện nơi có lượng người mua bán hàng hóa lớn, trung tâm giao thương của huyện.
Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư chợ xã Ea Lê - có vị trí là cầu nối giao thương của các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, đầu tư hạ tầng kỹ thuật chợ phiên xã Cư Kbang để phát triển giao lưu hàng hóa, kết nối với các xã của huyện Ea H’leo và huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), phát huy tiềm năng kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc đang sinh sống ở đây. Ngoài ra, huyện sẽ cải tạo, nâng cấp một số chợ xã nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc