Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa

08:07, 18/10/2024

Tiêu dùng nội địa là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, trong thời gian qua, ngành công thương của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bán lẻ hàng hóa.

Kích cầu sức mua

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và quan tâm nhiều đến những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày thì việc triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng được xem là giải pháp hữu hiệu để gia tăng sức mua cho thị trường, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội.

Chính vì vậy, ngành công thương đã hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh (các trung tâm thương mại, siêu thị) tổ chức nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi tập trung… để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng doanh thu.

Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), hiện nay thủ tục đăng ký chương trình khuyến mãi đã được thực hiện trực tuyến giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí nên đã thu hút đông đảo DN phân phối hàng hóa tham gia. Trong 9 tháng năm 2024, Sở đã tiếp nhận, xử lý 31.198 hồ sơ thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mãi của DN.

Bên cạnh thực hiện các chương trình khuyến mãi tập trung thì các DN đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm xuyên suốt và kéo dài trong cả năm. Cụ thể, các DN thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khuyến mãi áp dụng theo từng ngành hàng khác nhau với hình thức hấp dẫn: giảm giá, tích điểm, tặng quà, phiếu mua hàng, bán hàng đồng giá, chính sách ưu đãi dành riêng cho khách hàng thành viên hoặc mua sắm qua kênh online… để kích thích người tiêu dùng mua sắm.

Đơn cử như Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột, từ đầu năm đến nay đã thực hiện hàng loạt đợt khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại, siêu thị đang triển khai chương trình “Chợ sớm giảm sung” giảm giá 10% (kể cả các mặt hàng đang khuyến mãi) đối với toàn bộ sản phẩm tươi sống được mua trong khoảng thời gian từ 8 - 10 giờ sáng, áp dụng từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Ngoài ra, siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt như: giảm giá trực tiếp từ 10 - 49%, “mua là tặng”, “mua nhiều tiết kiệm nhiều” đối với các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm công nghệ, hàng bách hóa, thời trang…

Ông Bùi Văn Quân, Giám đốc Siêu thị GO! Buôn Ma Thuột cho hay, siêu thị đang duy trì hoạt động khuyến mãi, giảm giá thường xuyên và luân phiên (tần suất 2 tuần/lần) với gần 900 sản phẩm, chủ yếu là ở nhóm hàng thiết yếu, qua đó ghi nhận sức mua tăng bình quân 6,6 %. Hiện tại, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh sức mua của người dân trong những tháng cuối năm 2024.

Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng của người dân đã có những chuyển biến tích cực khi nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng tăng bởi chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý.

Người dân chọn mua sản phẩm tại chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở huyện Cư M’gar.

Thực tế cho thấy, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, tạo động lực cho tăng trưởng. Do đó, để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, ngành công thương đã vận động, khuyến khích các DN, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua việc tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm thế mạnh của địa phương; đưa hàng Việt về nông thôn; xây dựng các điểm nhận diện, bán hàng Việt... Từ đó, giúp DN phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý nhất.

 

Thông qua các hoạt động đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh ổn định và duy trì được đà tăng trưởng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của toàn tỉnh 9 tháng năm 2024 ước đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tương đương 81,2% kế hoạch năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước”.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương)

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã ký kết hợp tác với các DN sản xuất trong nước, có nguồn cung ổn định nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng với giá thành bình ổn và nhiều hình thức khuyến mãi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Siêu thị cũng đã được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng 3 điểm bán hàng Việt tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thương hiệu, hướng người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, dần thay thế hàng ngoại nhập.

Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột Bùi Quang Hòa cho hay, hiện siêu thị đang kinh doanh khoảng 35.000 mặt hàng, với cơ cấu hàng Việt Nam chiếm hơn 90%. Bên cạnh việc kinh doanh tại siêu thị thì hằng năm, đơn vị đều tổ chức các đợt bán hàng Việt lưu động về khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu mua sắm tại chỗ của người dân địa phương. Với những mặt hàng chất lượng, giá cả hợp lý, cùng với nhiều chính sách ưu đãi, các đợt bán hàng lưu động đều thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, giúp đơn vị đạt doanh số bán hàng tốt.

Bên cạnh đó, ngành công thương đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN địa phương trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp DN khơi thông nguồn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, góp phần mở rộng và khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa. Trong đó, ngành công thương tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch thương mại, kết nối giao thương mang tính liên kết vùng, tạo cơ hội cho DN của tỉnh có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa chất lượng của địa phương với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, xây dựng các chương trình giao thương trực tuyến trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ các DN, hợp tác xã và các thành phần kinh tế phát triển kênh phân phối hàng hóa thông qua nền tảng số…

Từ năm 2016 đến nay, đã có gần 500 hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa DN Đắk Lắk và DN các tỉnh, thành phố đã được ký kết. Trong đó, có nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã lên kệ của hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng trên toàn quốc như: cà phê Ea Kiết được bày bán tại Chợ Hàn - Đà Nẵng; bơ Tây Nguyên vào Siêu thị Bibomart - Thái Nguyên và Siêu thị Big C – TP. Hồ Chí Minh; trà thảo mộc Xuân Sang liên kết sản xuất, tiêu thụ với Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Xuân Định – Đồng Nai); rau, quả sạch của Công ty TNHH Green Farm vào Siêu thị Aeon và Siêu thị Lotte tại Bình Dương…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.