Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Phức tạp tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép

07:07, 03/12/2024

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (gọi tắt là Công ty) được giao quản lý, bảo vệ 24.450 ha rừng và đất rừng, giáp ranh với các huyện: Ea Kar, M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).

Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy tại lâm phần của Công ty diễn ra phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo lãnh đạo Công ty, vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2024, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp, với tần suất khá cao. Trung bình mỗi tháng xảy ra trên 30 vụ, trong đó phần lớn là những vụ phá rừng nhỏ lẻ mục đích từng bước lấn chiếm để lấy đất canh tác, làm nương rẫy.

Nhiều diện tích rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị người dân phá và lấn chiếm làm nương rẫy.

Qua quá trình xử lý các vụ việc cho thấy, hành vi phá rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi và có tổ chức khi việc phá rừng chủ yếu được thực hiện vào ban đêm; sử dụng cưa điện không tiếng ồn; bố trí người cảnh giới, dùng bộ đàm để cảnh báo cho đồng bọn tẩu thoát khi phát hiện lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); dùng hóa chất bỏ vào gốc để “hạ độc” cây; phá những cây nhỏ trước, chờ đến mùa khô thì dùng lửa đốt khiến cây lớn chết… Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng QLBVR trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Vào một ngày trung tuần tháng 11, theo chân lực lượng QLBVR của Phân trường Cư Hoa (thuộc Công ty), chúng tôi tiếp cận khu vực giáp ranh giữa lâm phần của Công ty với các huyện Ea Kar, M’Drắk. Nơi đây được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua.

Ghi nhận tại Tiểu khu 1138 (thuộc Phân trường Cư Hoa), rừng ở một số ngọn đồi đã bị phá bỏ hoàn toàn một bên bề mặt, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, đốt trụi và những khoảng trống của cây rừng để lại đã được trồng thay thế bằng các loại ngắn ngày (gừng, rau cải, sắn…). Hướng tầm mắt sang những ngọn đồi ở phía xa, có thể thấy nhiều khoảnh cây rừng đã bị các đối tượng chặt phá dẫn đến chết khô và đang chờ ngày đốt dọn để làm nương rẫy.

Một khoảnh rừng tại Tiểu khu 1138 thuộc Phân trường Cư Hoa (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông) mới bị người dân chặt phá để lấy đất sản xuất.

Ông Lữ Tuy Duy, Trưởng Phân trường Cư Hoa cho hay, khu vực bị phá là rừng thường xanh. Những khu vực bị phá, lấn chiếm thường giáp với đất canh tác của người dân nên họ cứ lấn dần như "vết dầu loang” với những diện tích manh mún, riêng lẻ. Các đối tượng thường tổ chức phát dọn, trồng trỉa lén lút vào sáng sớm hoặc ban đêm, đây đều là những thời điểm mà lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường. Bởi để đến được khu vực này tuần tra, truy quét thì lực lượng QLBVR phải di chuyển quãng đường dài hơn 20 km bằng xe máy, đi đò qua sông, lội bộ qua suối, đường rừng và phải mất nửa ngày mới đến nơi.

Công tác giữ rừng gặp nhiều áp lực

Theo ông Lữ Tuy Duy, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 2.700 ha rừng và đất rừng. Hai năm trở lại đây, giá cây keo tăng cao nên người dân tìm đủ mọi cách phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác. Mặc dù đơn vị đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn (tuần tra, truy quét, mật phục) nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 75 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, với diện tích hơn 19 ha, tập trung chủ yếu tại các tiểu khu 1138, 1140,1154,1165.

Nhiều cây rừng tại Tiểu khu 1138 thuộc Phân trường Cư Hoa (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông) bị đốn hạ.
 

“Dự báo tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy trong những tháng cuối năm 2024 có thể diễn biến phức tạp. Do đó, công ty đã lập kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét và bảo vệ rừng với sự tham gia của toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng của huyện, các nhóm hộ nhận khoán... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật”.

 
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, trên lâm phần quản lý của Công ty có gần 200 lán trại của người H’mông đã sinh sống từ những năm 1997 - 1998 và có khoảng 40 thôn, buôn (với 20.000 nhân khẩu) thuộc 3 huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk sinh sống gần rừng nên áp lực xâm hại đến tài nguyên rừng là rất lớn.

Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, Công ty huy động tối đa lực lượng từ 6 phân trường, 1 đội quản lý cơ động và thành lập các chốt chặn ngay trong rừng, túc trực tại những “điểm nóng” để tăng cường công tác QLBVR. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với đoàn liên ngành của huyện, các đơn vị chủ rừng giáp ranh tổ chức tuần tra, mật phục để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Theo thống kê, từ đầu năm  2024 đến 10/11/2024, đơn vị đã tổ chức 1.503 đợt tuần tra, truy quét ngắn ngày và dài ngày. Qua đó, phát hiện 478 vụ vi phạm lâm luật, với trên 135 ha rừng bị xâm hại. Đối với những diện tích rừng đã bị phá, lấn chiếm, Công ty đã lập hồ sơ và chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, giao cho các phân trường tổ chức bảo vệ hiện trường để rừng tái sinh tự nhiên và trồng lại rừng. Tuy nhiên, có nhiều diện tích rừng sau khi được trồng lại thì đã bị người dân nhổ bỏ.

Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông Hoàng Quốc Thư, thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với chủ rừng và các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện tăng cường công tác QLBVR, nhất là trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Qua đó, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc xâm hại tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều dự án phải làm công tác giải phóng mặt bằng như: hồ chứa nước Krông Pách thượng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Trường Sơn Đông. Mặc dù đã được Nhà nước cấp đất sản xuất, hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất nhưng một số hộ dân vẫn tiếp tục vào rừng tìm đất ở, đất sản xuất. Trong khi đó, lực lượng QLBVR mỏng, phải đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nhưng lại chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết nên gặp khó khăn trong công tác tuần tra, truy quét. Điều này dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn tiếp tục xảy ra.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.