Multimedia Đọc Báo in

Xây thế trận an ninh vững chắc từ cơ sở (Kỳ 1)

04:48, 16/12/2024

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là địa bàn có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng. Vì thế, xuất phát từ đặc thù ấy, để bảo đảm cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng thế trận an ninh vững chắc từ cơ sở đã trở thành yêu cầu khách quan và tất yếu.

Hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn luôn được ổn định, giữ vững, người dân yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội là những dấu ấn mạnh mẽ sau 5 năm tỉnh Đắk Lắk thực hiện các nghị quyết về xây dựng lực lượng Công an chính quy cấp xã. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt, là “lá chắn” bảo vệ bình yên cho buôn làng.

“Điểm tựa” an ninh ở vùng biên

Tháng 7/2019, huyện Ea Súp được tỉnh chọn làm điểm để thực hiện Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu, Phó Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết, những ngày đầu triển khai Đề án gặp muôn vàn khó khăn, bởi Ea Súp là huyện biên giới, diện tích tự nhiên rộng, đường sá đi lại cách trở (có những xã cách trung tâm huyện hơn 50 km), hạ tầng cơ sở ở các xã vừa thiếu, yếu… Để khích lệ tinh thần, cũng như làm gương cho các cán bộ, chiến sĩ khác, Thượng tá Hiếu đã viết đơn tình nguyện xin kiêm nhiệm thêm chức danh Trưởng Công an xã Cư M’lan.

Điểm nổi cộm ở xã Cư M'lan là số dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào khá đông, phần lớn họ đến không có hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân. Người dân di cư đến chủ yếu lấn chiếm, sang nhượng trái phép đất rừng ở các tiểu khu. Vì thế, rất khó khăn trong công tác quản lý về con người, cũng như các vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn.

Trước thực tế đó, Thượng tá Hiếu một mặt chỉ đạo lực lượng tăng cường bám nắm địa bàn, để nắm người, nắm việc, tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, đề xuất lãnh đạo Công an huyện tham mưu Thường trực Huyện ủy Ea Súp, báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk có biện pháp quy hoạch chỗ ở tập trung cho những trường hợp đã đến địa bàn nhiều năm.

Sau khi có chỗ ở ổn định thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bà con yên tâm an cư lạc nghiệp. Điển hình là hàng chục hộ người dân tộc H’Mông, Tày, Nùng được quy hoạch đất làm nhà tại thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan).

Còn với những trường hợp mới di cư vào thì tạo điều kiện để họ quay về quê cũ; công an huyện cũng đề xuất, kiến nghị bằng văn bản gửi đến công an các địa phương nơi thường trú trước đây để có biện pháp quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Công an xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) tuần tra bảo vệ mùa thu hoạch cà phê của người dân. Ảnh: Thế Hùng

Thượng tá Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ: “Khi có chỗ ở ổn định, người dân được chính quyền địa phương nhập khẩu, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Lực lượng công an cũng nắm được người, nắm được hộ, công tác tuyên truyền cũng trở nên thuận lợi hơn. Đến nay, cơ bản các hộ dân di cư sinh sống trên địa bàn đã có chỗ ở ổn định, được cấp thẻ căn cước, các cháu nhỏ được làm giấy khai sinh, căn cước để thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân".

Còn tại xã biên giới Ia Rvê (huyện Ea Súp), có 23 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó số hộ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 35% dân số cả xã. Trên địa bàn xã có 5 thành phần tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành với gần 500 tín đồ, trong đó mới chỉ có một điểm nhóm được cấp phép. Những năm trước đây, hoạt động của các tôn giáo thường thiếu sự liên kết, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là các thanh thiếu niên giữa các tôn giáo hay mâu thuẫn, gây gổ đánh nhau; nhiều đối tượng tụ tập uống rượu, bia rồi đua xe, lạng lách đánh võng trên đường gây mất ANTT…

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cùng đại biểu tham dự Ngày hội Đại đoàn kết và tổng kết Đề án 766 tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk).

Trung tá Nguyễn Quốc Hoan, Trưởng Công an xã Ia Rvê cho hay, khi lực lượng công an chính quy về xã đã tăng cường kết nối, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với các trưởng điểm, nhóm tôn giáo. Bằng cách làm gần gũi, sát thực tiễn góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các tín đồ tôn giáo. Nhờ vậy, đến nay ở Ia Rvê không còn xảy ra tình trạng thanh niên gây rối trật tự; các loại tội phạm và tệ nạn xã hội giảm hẳn.

Tạo chuyển biến tích cực từ địa bàn cơ sở

Theo đánh giá của Công an tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 1.323 cán bộ, chiến sĩ công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh công an tại 100% xã, thị trấn (trung bình mỗi xã là 9 cán bộ, chiến sĩ).

Từ khi có lực lượng công an chính quy đến đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 152/152 xã trên địa bàn tỉnh, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu và các mặt hoạt động bảo đảm ANTT cơ sở dần được nâng cao.

Các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ được công an nhiều xã đề ra cụ thể, bám sát với đặc điểm tình hình, thực tế ANTT ở địa phương. Thể hiện rõ nét ở sự chủ động nắm tình hình; quản lý chặt địa bàn, đối tượng; công tác tuyên truyền phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường, nhất là trên không gian mạng; việc hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp và triển khai lực lượng ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm từ cơ sở.

Công an xã Ia Rvê (huyện Ea Súp) tuyên truyền cho người dân ở vùng biên về công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý, từ khi triển khai việc bố trí công an chính quy về xã đến nay, công an các xã đã tham mưu Đảng ủy, HĐND, UBND cùng cấp trên 6.600 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các mặt công tác bảo đảm ANTT. Lực lượng công an xã đã triển khai quyết liệt 11 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT vào các dịp lễ, Tết. Chủ động triển khai các kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc và các loại tệ nạn xã hội; duy trì hiệu quả các tổ tuần tra nhân dân, tổ tuần tra đặc biệt. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã chính quy đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, đi đầu trong triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân...

Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh, việc bố trí công an chính quy về xã đã khắc phục những hạn chế của lực lượng công an xã bán chuyên trách, từ đó tạo chuyển biến tích cực tại địa bàn cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới với mục tiêu “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Mặt khác, việc đảm nhiệm công tác tại cơ sở cũng là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ công an rèn luyện bản lĩnh, nghiệp vụ, từ đó thực hiện tốt hơn chức trách của người chiến sĩ công an nhân dân trong giai đoạn mới. Hiện, 184/184 công an xã, phường, thị trấn đã thành lập chi bộ cơ sở, tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép ở công an cấp xã đã được giải quyết triệt để.

Trong 5 năm, lực lượng công an xã chính quy ở Đắk Lắk đã phối hợp điều tra, xử lý trên 5.300 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, kinh tế, ma túy, môi trường, với 4.115 đối tượng; trực tiếp giải quyết 2.125 vụ việc liên đến an ninh trật tự. Trong số 4.392 tin tố giác, tin báo về tội phạm từ tin báo từ người dân, công an xã đã kiểm tra, xác minh, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện 2.679 tin báo; trực tiếp bắt, vận động đầu thú 107 đối tượng truy nã… So với thời điểm trước khi thực hiện đề án đưa công an chính quy về xã, số vụ phạm tội về trật tự xã hội được kéo giảm 34,7%.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Sức mạnh từ "tai mắt" nhân dân

Hương Xuân - Đinh Thành


Ý kiến bạn đọc