Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nữ

08:03, 21/02/2025

Công tác đào tạo nghề cho phụ nữ được các cấp hội liên hiệp phụ (LHPN) nữ trong tỉnh tích cực triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của lao động nữ, tạo cơ hội để chị em tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, từng bước khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội, tự tin làm chủ bản thân, hướng đến bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.

Hỗ trợ học nghề, việc làm phù hợp

Qua khảo sát nhu cầu của các chị em trên địa bàn, tháng 3/2024, Hội LHPN phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) phối hợp với Hội Nông dân phường mở lớp kỹ thuật pha chế đồ uống cho 35 hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Trong 3 tháng theo học tại lớp dạy nghề, các học viên đã được hướng dẫn và thực hành pha chế các loại nước uống, kỹ thuật ủ lên men tự nhiên các loại sữa chua, trái cây, trà sữa, pha nước ép, cà phê cũng như kỹ thuật bảo quản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khóa học, các học viên đã tự tin pha chế thức uống, tham gia tổ chức kinh doanh đồ uống nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Chị Huỳnh Thị Mỹ Linh (tổ dân phố 5A) tâm sự: “Gia đình có kinh doanh một quán nước nhỏ nhưng trước đây đa phần chỉ bán nước uống đóng chai hoặc một vài món đồ uống đơn giản nên lượng khách không nhiều. Sau khi được học nghề bài bản, tôi bổ sung vào thực đơn đa dạng thức uống, được khách hàng phản hồi tốt, giúp nâng cao thêm thu nhập cho gia đình”.

Nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm cho phụ nữ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk.

Được sự hỗ trợ, giới thiệu của hội LHPN tại địa phương, chị Đoàn Thị Lan (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) đã theo học nghề và xây dựng cơ sở trồng nấm tại gia đình. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như rơm, cám, chị thử nghiệm trồng các loại nấm như nấm rơm, bào ngư, linh chi. Không chỉ phát triển kinh tế hộ, hiện tại mô hình của gia đình chị đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp (thôn 2, xã Quảng Điền) chia sẻ: “Gia đình không có đất sản xuất, trước đây tôi nhận may gia công tại nhà nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Khi được vào làm tại trại nấm, công việc ổn định, có thu nhập để lo cho gia đình. Bên cạnh tạo việc làm, chúng tôi còn được chị Lan chỉ thêm các kỹ thuật trồng nấm, khi có điều kiện tôi có thể làm trang trại riêng để phát triển kinh tế”.

Để vừa duy trì, bảo tồn nét văn hóa truyền thống vừa cải thiện thu nhập cho chị em, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn.

Riêng trong năm 2024, Hội LHPN huyện đã mở 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho 70 học viên tại xã Ea Tar và xã Ea Tul. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar Lê Thị Thu Hiền, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nghề truyền thống, Hội LHPN huyện cũng triển khai hoạt động hỗ trợ các chị em thành lập, tham gia các tổ hợp tác dệt thổ cẩm; đồng thời kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế góp phần nâng cao đời sống hội viên phụ nữ tại địa phương. Từ đó khuyến khích chị em cùng tham gia bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Tạo cơ hội cho phụ nữ

Xác định dạy nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập là một trong những giải pháp hỗ trợ thiết thực, giúp phụ nữ chủ động, tự tin, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, hằng năm, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em.

Theo đó, hội đã chủ động phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác thông tin chính sách về lao động, việc làm cho phụ nữ; chú trọng dạy các nghề phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động như nhóm nghề may mặc, nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp và nhóm nghề chế biến lương thực, thực phẩm; quan tâm dạy nghề cho phụ nữ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và phụ nữ nghèo đô thị theo hướng phát triển các ngành dịch vụ, thủ công truyền thống và xuất khẩu lao động.

Chị Nguyễn Thị Hồng Điệp làm việc tại cơ sở trồng nấm ở địa phương.

Năm 2024, các cấp hội phối hợp mở 92 lớp đào tạo nghề may dân dụng, chăn nuôi thú y, trồng trọt... cho hơn 4.300 lao động nữ; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các sàn giao dịch tại cơ sở, qua đó đã giới thiệu hơn 1.400 chị em làm việc ổn định tại địa phương, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức phiên tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn du học, xuất khẩu lao động cho 238 hội viên. Song song đó, hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, qua đó kết nối, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động nữ.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, để đẩy mạnh công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho hội viên phụ nữ, các cấp hội tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành nghề mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường liên kết với các đơn vị tuyển lao động để giới thiệu học viên vào làm việc; hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm…

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc