Tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo
Với dư nợ đến nay đạt hơn 8.000 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo sinh kế, việc làm và nguồn lực phát triển kinh tế cho hàng vạn hộ nghèo và những người yếu thế.
Trợ lực cho người dân huyện biên giới
Hộ bà HBlim Byă, buôn Ko Đung B, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) trước đây là hộ nghèo, nhà đông con. Gia đình bà có 8 sào cà phê nhưng đất đai cằn cỗi, lại không có kinh phí đầu tư nên thu nhập chẳng được là bao. Cuộc sống gia đình bà luôn trong cảnh khó khăn, chật vật. Năm 2022, được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Buôn Đôn giải ngân cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, bà đã đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc 8 sào cà phê. Nhờ đó, vườn cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao, mang lại thu nhập ổn định. Năm 2024, gia đình bà thoát khỏi diện nghèo, có tiền xây sửa nhà cửa. Đến nay, ngoài cà phê, gia đình bà còn trồng thêm hồ tiêu, điều và chăn nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng là trợ lực quan trọng để phát triển kinh tế của gia đình ông Trần Phú Hải ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na. Vợ chồng ông không có rẫy nương nên phải làm thuê nhiều việc để xoay xở nuôi bốn đứa con nhỏ. Năm 2018, gia đình ông được vay 20 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để mua bò về nuôi. Hai năm sau, thu nhập từ chăn nuôi giúp ông trả hết nợ và có chút dành dụm. Ông được NHCSXH cho vay thêm 40 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Đến nay, ngoài số bò bán để trả tiền lãi ngân hàng và trang trải cuộc sống, ông còn 13 con bò. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước, gia đình ông Hải từng bước vươn lên, từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo và chính thức thoát nghèo vào năm 2024.
![]() |
Ông Trần Phú Hải (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) phát triển chăn nuôi bò bằng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. |
Ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết, xã thuộc địa bàn biên giới, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Xác định vai trò của tín dụng chính sách, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với NHCSXH trong việc rà soát, xác định đối tượng vay vốn bảo đảm minh bạch, khách quan. Các hộ nghèo tại địa phương đủ điều kiện đều được vay vốn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, làm nhà và xây dựng công trình nước sạch. Nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống; đóng góp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2025, xã giảm hơn 10% tỷ lệ hộ nghèo.
Tạo sinh kế cho người yếu thế
Mặc dù đôi chân bị tật nguyền nhưng bà H Yar Kbuôr ở buôn Kala, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) vẫn giữ nghề dệt và phát triển kinh tế từ nghề truyền thống. Động lực cho hành trình ấy chính là nguồn vốn chính sách xã hội. Từ số tiền 50 triệu đồng vay theo chương trình cho vay hộ nghèo, bà đã mở cơ sở dệt may thổ cẩm. Bên cạnh những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công truyền thống, cơ sở còn sản xuất nhiều loại sản phẩm khác như quần áo, giỏ, balo... Ngoài phát triển kinh tế gia đình, cửa hàng của bà H Yar Kbuôr còn tạo việc làm thêm cho 10 phụ nữ trong buôn với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Mô hình phát triển kinh tế của người phụ nữ tật nguyền - bà H Yar Kbuôr ở xã Dray Sáp (huyện Krông Ana). |
Với chàng trai trẻ Vũ Đình Trìu (thôn An Na, xã Dray Sap) thì vốn tín dụng chính sách là chìa khóa để anh làm lại cuộc đời. Tuổi trẻ bồng bột, năm 2019, anh vướng vào vòng lao lý với án phạt tù về tội trộm cắp tài sản. Sau khi hoàn lương năm 2023, cuộc sống của anh như rơi vào bế tắc bởi mặc cảm của bản thân và sự nghi ngại của người đời. Năm 2024, cánh cửa cuộc đời anh Trìu được mở ra khi NHCSXH hỗ trợ cho vay 50 triệu theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh dùng số vốn này để đầu tư chăm sóc vườn cà phê và chăn nuôi dê. Thành quả ban đầu đã đến với anh khi vụ vừa qua, vườn cà phê đã cho thu bói, đàn dê cũng đã sinh sản vài lứa. “Vốn vay không chỉ làm kinh tế mà giúp em tự tin hơn vào cuộc sống. Một vài năm nữa em sẽ trả hết nợ và mở rộng trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trở thành người có ích cho xã hội”, anh Vũ Đình Trìu chia sẻ.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Ana cho biết, dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt gần 476 tỷ đồng, với 11.328 hộ đang vay vốn, trong đó, các chương trình có sức lan tỏa mạnh là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn làm ăn, có việc làm đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, trong năm 2024, từ nguồn vốn này đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 440 lao động, xây dựng, sửa chữa 803 công trình nước sạch và vệ sinh...
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc