Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế tập thể bắt nhịp với thời cuộc

06:33, 11/04/2025

Những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã không ngừng đổi mới, phát huy nội lực, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ động thích ứng

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang hội nhập và phát triển sâu rộng, kinh tế tập thể, HTX đang "chuyển mình" để trở thành lực lượng kinh tế năng động, sáng tạo, thích ứng với thời cuộc. Bắt nhịp cùng với sự phát triển trong tình hình mới, nhiều HTX đã chủ động thay đổi tư duy, nâng cao năng lực vận hành, quản lý; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; nhạy bén, nắm bắt thị trường; định hướng phát triển nông nghiệp sạch, bền vững…

Hợp tác xã Ea Tân (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) trưng bày giới thiệu các mẫu cà phê đặc sản. Ảnh: Minh Thuận

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài, những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các HTX vươn mình phát triển. Liên minh HTX tỉnh đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, vận hành cho đội ngũ cán bộ HTX; đồng thời, vận động nguồn nhân lực trẻ, có năng lực vào ban quản trị HTX. Bên cạnh đó, việc cần thiết và cấp bách hơn nữa là tăng cường chuyển đổi số để HTX triển khai kinh tế số. Do vậy, Liên minh HTX tỉnh đang tiến hành mở các lớp tập huấn, xây dựng chương trình giúp HTX chủ động ứng dụng từ khâu sản xuất, quản lý, vận hành đến tiêu thụ, tạo chất lượng cao cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Liên minh HTX tỉnh đang tiếp tục xây dựng các chương trình tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong vấn đề đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để HTX ứng dụng. Trong đó sẽ xây dựng chợ sản phẩm của HTX từ Trung ương đến địa phương, giúp các đơn vị dễ dàng tìm kiếm đối tác tiềm năng. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tăng cường đầu tư công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật số vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó sẽ tạo tiền đề để HTX bắt nhịp thị trường, kết nối bền vững, phát triển trên hành trình đổi mới.

Những điểm sáng

Toàn tỉnh hiện có 857 HTX, trong đó có 595 HTX nông nghiệp, 58 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 58 HTX vận tải, 101 HTX thương mại - dịch vụ, 33 HTX xây dựng và 12 Quỹ Tín dụng nhân dân. Với sự nỗ lực, nhạy bén, thích ứng linh hoạt trước thách thức của thị trường, nhiều HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã ghi dấu qua quá trình hình thành và phát triển, hoạt động bền vững, tạo chỗ dựa tin cậy cho thành viên và góp phần nâng cao đời sống khu vực nông thôn.

Với 14 năm thành lập, HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã trở thành điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Tiền thân là Tổ liên kết thương mại công bằng Ea Kiết, năm 2011 HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết được thành lập với 48 thành viên, diện tích sản xuất 91 ha cà phê. Từ đây, HTX tích cực mở rộng ngành nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, tiếp cận được thị trường tiêu thụ và các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Sản phẩm mắc ca của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Macca Ea H’leo đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc.

Đến nay HTX đã có 113 thành viên, canh tác trên 136 ha cà phê đạt Chứng nhận Fairtrade (FLO), với sản lượng 526 tấn/năm và 49 ha cà phê liên kết đạt Chứng nhận 4C, sản lượng 165,4 tấn/năm. HTX cũng đã hoàn thiện khu vực nhà kho, nhà xưởng, sân phơi, hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất sơ chế, chế biến cà phê khép kín, văn phòng làm việc được đầu tư đầy đủ trang thiết bị. Đơn vị tích cực cung ứng dịch vụ đầu vào, hỗ trợ máy móc sơ chế sản phẩm, liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX còn mở thêm dịch vụ chế biến cà phê rang xay, tạo việc làm cho nhiều lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của HTX đạt từ 20 – 25 tỷ đồng và giúp thu nhập thành viên tăng thêm từ 8 – 12 triệu đồng/hộ/năm. HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết là một trong những đơn vị trong nhóm COOP.66 gồm các HTX nông nghiệp điển hình trên toàn quốc.

Đi vào hoạt động từ năm 1996, Quỹ Tín dụng nhân dân Cao su Đắk Lắk từ một đơn vị có số vốn điều lệ ban đầu chỉ hơn 300 triệu đồng được đóng góp từ Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk và 15 thành viên sáng lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm kinh doanh đơn điệu, khả năng cạnh tranh thấp, đến nay đơn vị đã có gần 6.600 thành viên, có 1 hội sở và 4 phòng giao dịch trực thuộc, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 925 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 759,6 tỷ đồng. Trong danh mục cơ cấu tín dụng, đơn vị luôn dành 90% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân Cao su Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho thành viên phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao thu nhập, từng bước hạn chế vấn đề vay lãi nặng, "tín dụng đen", góp phần vào sự ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc