Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nguồn nhân lực: Động lực then chốt tạo đột phá

08:13, 10/04/2025

Là vùng đất giàu tiềm năng, Đắk Lắk đang chuyển mình mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tiến trình đổi mới và hội nhập; trong đó nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là khâu đột phá mang tính chiến lược.

Chuyến công tác vừa qua của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng giải pháp nhằm thúc đẩy công tác này.

Lợi thế lớn, thách thức không nhỏ

Đắk Lắk hiện có gần 39.000 cán bộ, công chức, viên chức (trên 2.700 cán bộ, công chức, trình độ chuyên môn chủ yếu là đại học và sau đại học; gần 36.000 viên chức có trình độ chuyên môn chủ yếu là đại học, cao đẳng, trung cấp); cùng hơn 13.000 doanh nghiệp và chi nhánh hoạt động trên địa bàn.

Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược của địa phương, có vai trò then chốt trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Đắk Lắk đã tích cực thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực như ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến 2030, cùng các kế hoạch hành động như: Kế hoạch số 129/KH-UBND về đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, hay Kế hoạch triển khai Đề án phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn…

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên thực hành thí nghiệm.

Trong giai đoạn 2021–2024, tỉnh đã dành 35,7% tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề với trên 28.300 tỷ đồng, tập trung cho các chương trình cải thiện chất lượng trường lớp, đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ chính sách miễn giảm học phí, cũng như phát triển đội ngũ nhà giáo…

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của UBTVQH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đã thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, như: chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong hoạch định quy hoạch đào tạo nhân lực. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn thiếu tính hiện đại, nhiều trường nghề chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thị trường. Tỷ lệ nhân lực có kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ, tư duy số hóa còn rất hạn chế; cơ hội việc làm chưa hấp dẫn, sinh viên tốt nghiệp có xu hướng rời tỉnh để lập nghiệp tại các đô thị lớn…

Dù lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 22,25%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao trong khối doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt ở các lĩnh vực cần công nghệ tiên tiến, điều hành số, sản xuất tự động hóa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của kinh tế địa phương.

Cần chiến lược tổng thể, dài hạn và đặc thù

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 chia sẻ: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công ty đang đẩy mạnh tự động hóa các khâu sản xuất, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng công nhân kỹ thuật lành nghề. Đặc biệt, các trường đào tạo chuyên ngành mía đường hiện rất hiếm, buộc đơn vị phải tự đào tạo nội bộ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”​. Với gần 300 lao động, trong đó 75% đã có chứng chỉ chuyên môn; tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể chủ động 100% đối với nguồn lực kỹ thuật chuyên sâu, nhất là những vị trí đòi hỏi kiến thức hiện đại và tư duy đổi mới sáng tạo.

“Để khắc phục, doanh nghiệp đang từng bước xây dựng lộ trình phát hiện, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nội bộ. Những công nhân giỏi, có trách nhiệm sẽ được giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ mới, đồng thời công ty cũng mời các chuyên gia kỹ thuật về tập huấn định kỳ…”, ông Thành thông tin.

Sinh viên ngành Khoa học cây trồng, Trường Đại học Tây Nguyên thực hành tại vườn thực nghiệm.

Còn đối với Trường Đại học Tây Nguyên, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của khu vực, được giao sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển Tây Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đơn vị đã triển khai đồng bộ các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tăng cường hợp tác doanh nghiệp, mở rộng liên kết đào tạo với 11 đơn vị trong và ngoài nước, chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhà trường đào tạo 35 ngành đại học, 11 ngành thạc sĩ, 5 ngành tiến sĩ. Đáng chú ý, trường đã phối hợp cùng UBND tỉnh thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong giới trẻ, tạo tiền đề hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngay trong trường đại học. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 86% là một minh chứng cho định hướng đúng đắn…

Phát biểu kết luận đợt giám sát tại Đắk Lắk, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Đinh Công Sỹ, Trưởng đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh: Đắk Lắk có tiềm năng lớn nhưng đang thiếu chiến lược tổng thể và dài hạn trong phát triển nguồn nhân lực. Cần có cách tiếp cận mới, đồng bộ, thực chất và chính sách đặc thù để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt là nguồn nhân lực dân tộc thiểu số – đây là lợi thế bản địa không thể bỏ qua. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để tạo ra hệ sinh thái nhân lực – nơi đào tạo gắn liền với sử dụng và người học có thể tìm thấy tương lai nghề nghiệp ngay tại quê nhà…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc