Cà phê từ di sản đến đời sống
Cà phê không chỉ là một đặc sản của tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, mà nó đã trở thành một di sản, gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
“Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk” vừa được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk; góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hạt cà phê.
![]() |
Du khách trải nghiệm uống cà phê miễn phí tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025. |
Theo lý lịch di sản, đây là loại hình tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống; được nhận diện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Chủ thể văn hóa của di sản là những cá nhân, gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng, bao gồm hầu hết những người dân tộc thiểu số tại chỗ như Êđê, M’nông và cả những người nhập cư từ nơi khác đến đây sinh sống và trồng cà phê từ những năm 50 của thế kỷ 20.
"Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh về kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tri thức trồng và chế biến cà phê”; đồng thời, sẽ xây dựng lộ trình để đề xuất, công nhận các nghệ nhân trồng và chế biến cà phê, nhằm tôn vinh những người đã góp phần lưu giữ và phát triển tri thức quý báu”- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đức Đại |
Không gian văn hóa của di sản gồm: không gian trồng cà phê, không gian chế biến cà phê và không gian thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến cây cà phê. Những vườn/rẫy cà phê là không gian thực hành, biểu hiện cho tri thức trồng và chế biến cà phê của cộng đồng cư dân. Vườn cà phê có thể nói là tài sản được kế tục qua các thế hệ trong gia đình.
Việc chứng nhận “Tri thức trồng và chế biến cà phê” của tỉnh Đắk Lắk trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ tôn vinh những giá trị của cà phê mà còn ghi nhận sự đóng góp của những người nông dân, người chế biến đã cống hiến cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Nguồn sinh kế vững bền
Với diện tích cà phê hiện nay hơn 212.100 ha, sản lượng đạt trên 535.672 tấn/năm, Đắk Lắk được xem là “thủ phủ" cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước. Đặc biệt, tri thức trồng và chế biến cà phê không ngừng được kế thừa, sáng tạo và phát triển theo thời gian. Nhiều gia đình canh tác cà phê đã trải qua 2 - 3 đời, đến nay vẫn phát triển.
Bà Nguyễn Thị Trang (SN 1953, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình bà đã gắn bó với cây cà phê từ năm 1980. Với những kinh nghiệm do bố mẹ truyền lại, hơn 4 ha rẫy cà phê dưới bàn tay chăm sóc của bà luôn xanh tốt, cho năng suất cao.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm canh tác, cây đã già cỗi, việc tái canh cà phê gặp nhiều thách thức do đất bạc màu, gia đình bà đã chủ động áp dụng các phương pháp khoa học tiên tiến vào sản xuất để cải thiện chất lượng, năng suất.
Anh Y Pốt Niê (SN 1988, buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), người sáng lập thương hiệu "Êđê Café" cho hay, gia đình anh và nhiều hộ dân trong buôn đã có truyền thống trồng cà phê từ nhiều đời. Đây chính là nguồn sinh kế, giúp gia đình phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến nay, anh Y Pốt không chỉ am hiểu về quá trình trồng, canh tác cây cà phê mà còn tiếp tục phát triển mảng chế biến sản phẩm từ cà phê. Anh sử dụng chính công thức truyền thống của dân tộc mình để chế biến ra các sản phẩm cà phê thơm ngon, trong đó có sản phẩm “Cà phê khói” được nhiều người yêu thích, vươn tầm thế giới. Với anh, đây không chỉ đơn thuần là một loại cà phê mà còn là câu chuyện về văn hóa, về sự khéo léo, cần cù chịu khó của những con người gắn bó với cây cà phê nơi buôn làng.
![]() |
Anh Y Pôt Niê (bên phải) kiểm tra chất lượng hạt cà phê rang xay. |
Quy trình trồng và chế biến để tạo ra một ly cà phê thơm ngon vô cùng khắt khe. Vì vậy, để thực khách hiểu được công sức, tâm huyết của người nông dân cũng như những người chế biến và bảo vệ, phát huy di sản này, chính những người nông dân như bà Trang hay anh Y Pốt Niê phải có ý thức và trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào từng công đoạn sản xuất, hướng đến sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng.
Nguồn cảm hứng của nghệ thuật
Không chỉ là một loại cây kinh tế, một thức uống quen thuộc, cà phê còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật.
Vào Đắk Lắk năm 1996, nhà văn Bích Thiêm (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) đã có cơ hội tiếp xúc gần gũi với cây cà phê cũng như bà con trong buôn làng. Những khoảnh khắc đáng nhớ khi cùng người già, người trẻ đi bẻ chồi, cắt cành… đã trở thành cảm hứng cho nhiều truyện ngắn như “Mùa cà chín” (in trong tập "Dấu lặng của rừng", xuất bản năm 2001), “Mảnh rẫy ven đồi” (in trong tập "Lưng núi mùa xuân", xuất bản năm 2024). Khi đưa hình ảnh cà phê vào trong tác phẩm, bà đã dùng ngôn từ để khắc hoạ được màu trắng thuần khiết của hoa, màu nâu ấm áp của hạt, màu xanh non của lá hay những mẩu chuyện nhỏ xung quanh cây cà phê… Những chi tiết nhỏ nhặt này đều được chăm chút để mang lại một cái nhìn đầy sống động và màu sắc về cà phê trong tâm trí của độc giả. Từ đó, bà dẫn dắt người đọc đến với những câu chuyện đời thường tuy giản dị nhưng lại chứa đựng những tâm tư, tình cảm của con người Tây Nguyên.
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Thương (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) đã có những góc nhìn độc đáo để có thể mang nét đẹp của con người và vùng đất Tây Nguyên gắn liền với cây cà phê lên từng khung hình. Nam nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm chụp về cây cà phê và đạt được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Ông tâm sự: “Khi chụp ảnh, tôi muốn lột tả được đôi bàn tay chai sạn, màu da nâu giống như hạt cà phê bởi nắng gió Tây Nguyên hay tấm lưng gù vì phải vác những bao cà phê nặng gần cả tạ đi một quãng đường dài… để người xem cảm nhận được sự khó khăn, cực khổ của người nông dân khi làm ra được những sản phẩm chất lượng đưa đến tay người tiêu dùng. Việc rong ruổi khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc đó cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ”.
Ngoài văn chương, nhiếp ảnh, nhiều ca khúc hay về cà phê cũng đã được công chúng yêu thích và lan tỏa rộng rãi như “Ly cà phê Ban Mê” (Nhạc sĩ Nguyễn Cường), “Buôn Ma Thuột cà phê” (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh)…
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc