Multimedia Đọc Báo in

Con vịt trong rằm tháng bảy của người Tày Tây Bắc

07:29, 29/08/2021

Rằm tháng bảy âm lịch là một trong ba lễ tết quan trọng của người Tày vùng Tây Bắc (sau Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng).

Đây là dịp để người Tày làm lễ cúng tiên tổ, tri ân, báo hiếu công đức ân nghĩa sinh thành, là dịp sum họp gia đình, dòng họ. Vào ngày rằm tháng bảy, người Tày chế biến các thứ bánh như bánh chưng, bánh ngải, bánh rợm, xôi ngũ sắc và không quên dâng cúng một con vật vốn quen thuộc trong đời sống là con vịt.

Người Tày vùng Tây Bắc xưa nay vẫn lưu truyền câu ca: “Tết tháng giêng ăn thịt gà, Tết tháng bảy ăn thịt vịt” để nói đến một phong tục được gìn giữ từ bao đời nay liên quan đến con vịt, con vật lành trong mỗi gia đình người Tày. Theo truyền thuyết của người Tày vùng Tây Bắc, từ khi người Tày tạo dựng các bản làng thì con vịt đã có mặt trong đời sống của họ.

Sinh hoạt văn hoá của đồng bào Tày Tây Bắc vào dịp tết rằm tháng bảy.

Vịt là con vật thiêng của người Tày vì họ quan niệm rằng vịt là sứ giả của mường trần gian với mường trời. Vịt là cầu nối, báo cáo với trời những việc dưới hạ giới. Đồng thời, khi nước biển dâng cao, vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi dâng lễ trời vào đúng ngày rằm tháng bảy để cầu xin cho trần gian được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, con người khỏe mạnh, nhà nhà no ấm. Vì thế, trong lễ tết nói chung và lễ rằm tháng bảy nói riêng, dù mâm cỗ có gà, có cá nhưng không thể thiếu vịt.

Vịt cúng lễ phải được thả suối hằng ngày cho sạch, ăn tép, cua và thóc sạch. Đến ngày rằm, các gia đình người Tày chọn lấy hai con to, béo nhất đàn, một đực, một cái để mổ làm cơm cúng tổ tiên. Tùy theo điều kiện của từng gia đình, đôi vịt có thể mổ, luộc lên và để vào đĩa, dâng cúng cả con. Có gia đình thì băm vịt thành miếng nhỏ xếp vào đĩa rồi đặt vào mâm cơm. Dù thế nào thì lễ cúng không thể thiếu vịt luộc. Khi luộc vịt, người Tày rất chú ý đến đầu vịt. Vì theo họ, phần đầu là phần rất quan trọng nên đầu con vịt bao giờ cũng ngỏng lên, thẳng với phần thân, miệng vịt mở ra như thể đang kêu, hai chân duỗi ra phía sau như đang bơi, hai cánh xòe ra như đang vỗ.

Sau khi làm lễ cúng xong, cả gia đình người Tày quây quần cùng nhau ăn cơm tết rằm tháng bảy. Khi bắt đầu ăn, việc đầu tiên phải làm là người con cả trong gia đình gắp miếng đầu vịt cho người cao tuổi nhất trong nhà để thể hiện sự kính trọng, lễ phép. Sau đó, người già lại gắp những miếng thịt vịt ngon cho con cháu thể hiện sự chăm sóc, che chở.

Không gian nhà sàn Tây Bắc, nơi lưu giữ phong tục tết rằm tháng bảy.

Một phong tục đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong tết rằm tháng bảy của đồng bào Tày vùng Tây Bắc là tục tết vịt bố mẹ vợ. Gần đến rằm, con rể người Tày dù ở bản xa nào đó cũng tìm mua hay nuôi một đôi vịt thật béo, lông mượt, một đực, một cái để lễ tết bố mẹ vợ. Khi mang vịt đến, con rể tự tay mổ vịt, luộc bày thành mâm rồi đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên.

Cúng vịt vào rằm tháng bảy, người Tày cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để quanh năm được no đủ. Nét đẹp cổ truyền này từ bao đời nay được đồng bào nơi đây gìn giữ và phát huy.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.