Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức vị giác với món đu đủ giã kiến vàng

04:32, 08/08/2021

Văn hóa ẩm thực của người Êđê vô cùng phong phú và đa dạng. Với những nguyên liệu từ thiên nhiên, họ đã chế biến ra nhiều món ăn tuy dân dã nhưng lại vô cùng hấp dẫn, mang đậm chất núi rừng, trong đó có thể kể đến món đu đủ giã kiến vàng.

Là một món ăn khá quen thuộc trong ẩm thực đời thường của người Êđê, đu đủ giã kiến vàng được nhiều người ưa thích bởi sự kết hợp độc đáo giữa các nguyên liệu để tạo nên một món dễ ăn, kích thích vị giác khi thưởng thức. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là việc sử dụng kiến vàng để tạo độ chua đặc trưng, mang đến hương vị khác biệt.

Khi làm món đu đủ giã kiến vàng, công đoạn đi bắt kiến vàng có lẽ là công đoạn thú vị và khó nhất. Ở Tây Nguyên, kiến vàng thường làm tổ trên các loại cây như: cà phê, điều, mít, muồng (một loại cây chắn gió, sương muối cho cà phê)…

Người Êđê thường dùng cối gỗ để giã đu đủ.
Người Êđê thường dùng cối gỗ để giã đu đủ.

Loài kiến này bò nhanh và cắn rất đau nên người đi “săn” phải tinh mắt, trèo cây giỏi, thậm chí chịu được cảm giác đau đau, tê tê người khi bị kiến cắn. Người bắt kiến vàng chuyên nghiệp sẽ không lấy những tổ kiến gần nhà ở, bởi những chú kiến ấy sẽ ăn những phế phẩm ô nhiễm không tốt cho sức khỏe, nên họ thường săn tổ kiến ở rẫy xa. Khi bắt kiến, người ta thường bắt cả tổ rồi cho vào bao hoặc thùng mang về để kiến khỏi bò đi mất. Đối với đu đủ, nên chọn những quả đu đủ già, đặc biệt thịt phải còn cứng, nếu tìm được quả có thịt hơi ửng ngả màu vàng thì sẽ đỡ mủ và có vị ngọt ngon hơn. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị thật nhiều ớt cho món ăn này, bởi nếu thiếu vị cay nồng của ớt, món ăn sẽ mất ngon, không còn đúng vị.

Sau khi tìm đủ nguyên liệu thì công đoạn chế biến diễn ra khá đơn giản. Đu đủ hái về gọt bỏ vỏ, dùng dao bằm vào phần thịt của quả rồi thái thành những lát mỏng, tiếp đến đem ngâm với nước muối loãng và rửa cho hết mủ. Kiến vàng giũ ra khỏi tổ, rửa sạch bụi bẩn.

Người Êđê thường sử dụng cối gỗ truyền thống giã để món ăn ngon và thấm vị. Đầu tiên là giã muối ớt, có thể cho thêm mùi tàu, lá chanh cùng các gia vị tùy thích như: đường, bột ngọt… sao cho vừa ăn; tiếp đến cho kiến vàng vào rồi sau cùng mới cho từng nắm đủ đủ vào giã lần lượt. Khi giã phải đều tay, sao cho các nguyên liệu trộn đều, hòa quyện vào nhau.

Lúc này, mùi chua của kiến, hương thơm của các nguyên liệu cùng mùi nồng của muối ớt hòa quyện vào nhau tạo nên một mùi vị đặc biệt, kích thích các giác quan, khơi dậy cảm giác thèm ăn khó cưỡng. Vị chan chát, ngòn ngọt cùng độ giòn của đu đủ hòa với vị chua thanh, bùi của kiến vàng, vị cay xè của ớt, vị mằn mặn của gia vị tạo nên một hương vị ngon tuyệt, không lẫn vào vị của bất kỳ món ăn nào cả. Ăn một miếng, lại muốn ăn thêm miếng thứ hai, càng cay lại càng bị cuốn hút, cứ thế đến khi hết thì mới có thể dừng lại.

Món đu đủ giã kiến vàng.

Người Êđê thường ăn món đu đủ giã kiến vàng vào buổi trưa và ăn ngay sau khi chế biến, vì để lâu đu đủ sẽ bị mất đi độ giòn. Đây là một món ăn giải rượu, giải nhiệt rất hiệu quả. Đặc biệt, người Êđê quan niệm, món này phải ăn đông người mới ngon, bởi thế những lúc rảnh rỗi, mọi người lại xúm nhau làm món ăn vặt đu đủ giã này. Khi ấy, mọi người ngồi quây quần, vừa ăn vừa hít hà, trò chuyện. Cứ như thế, từ bao đời, món ăn trở thành sợi dây gắn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng người Êđê.

Ngoài món đu đủ giã với kiến vàng với hương vị độc đáo, người Êđê có nhiều cách chế biến khác như đu đủ giã ớt, đu đủ giã me, đu đủ giã cóc, hoặc kết hợp giã xoài với đu đủ để tạo nên những món ăn đậm đà, chua chua, cay cay độc đáo.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.