Multimedia Đọc Báo in

Quê tôi mừng Tết Độc lập

13:54, 29/08/2021

Lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ấn tượng về Lễ Quốc khánh 2-9 hằng năm ngày ấy không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi.

Ngày ấy, người dân quê tôi không gọi “Lễ Quốc khánh” mà gọi “Lễ cách mạng” hay “Tết Độc lập”. Trong ngày lễ, người dân tập trung tại sân kho hợp tác (hợp tác xã - HTX) để ăn liên hoan, gọi là “ăn đoàn kết”. Bữa liên hoan có cơm trắng, nhiều thịt khiến lũ trẻ chúng tôi nhớ mãi, và cứ mong cho đến ngày "Lễ cách mạng". Đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ mở rộng, HTX tổ chức “ăn đoàn kết” ở lòi tre cuối làng để tránh máy bay ném bom. Sau ác liệt quá, HTX không tổ chức ăn liên hoan nữa mà chia gạo, thịt về cho mỗi nhà, ai ăn nhà nấy.

HTX hồi đó không chỉ tổ chức sản xuất mà còn chăm lo đời sống mọi mặt cho người dân; các ông đội trưởng sản xuất đồng thời là người phổ biến tình hình thời sự, tuyên truyền đường lối, chính sách. Bà con chấp hành rất nghiêm. Có một thời gian dài HTX tổ chức nuôi vịt thả đồng, cứ đến các dịp lễ lạt là chia vịt cho dân, tính theo khẩu, như “ăn mùng năm” – Tết đoan ngọ, “Lễ cách mạng” và Tết Nguyên đán. Lũ trẻ con thì có thêm ngày 19-5 (sinh nhật Bác), ngày 1-6 (Quốc tế thiếu nhi) là được HTX phát quà bánh, thường là một cái bánh đòn (bánh tét) dài cả nhà ăn một bữa không hết – hồi đó quê tôi chỉ đến Tết mới có bánh đòn. 

Kể từ sau khi Bác Hồ mất, ngày "Lễ cách mạng" nhà nào cũng sửa soạn trang hoàng đẹp, cắt giấy nhuộm phẩm làm hoa, xin báo mới dán lại gian giữa, nấu cỗ cúng trên bàn thờ Bác Hồ.

Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, cứ đến ngày "Lễ cách mạng", huyện tổ chức nhiều hoạt động như đấu bóng chuyền, biểu diễn văn công, chiếu phim. Đặc biệt, lễ hội bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang chuyển từ mùng 2 Tết Nguyên đán hằng năm sang ngày Quốc khánh 2-9. Những ngày chuẩn bị tập dượt trước lễ hội đua thuyền, làng trên xóm dưới rất rộn ràng; nhà nhà treo Quốc kỳ, đường làng ngõ xóm dọn dẹp phong quang, sạch đẹp. Và ngày Quốc khánh quê tôi thực sự là một ngày Tết với hàng vạn ngàn người kéo về hai bờ sông để cổ vũ cho các thuyền đua. Từ “Tết Độc lập” được dùng nhiều bắt đầu từ đó. Như vậy quê tôi có hai tết to nhất trong năm là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập.

Cứ mỗi dịp Quốc khánh, những người con của quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu - trên khắp mọi miền lại hẹn nhau về thăm quê sum họp gia đình, ăn mừng Tết Độc lập, xem Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Nhiều người còn cho rằng, đây là nơi đón Tết Độc lập to nhất cả nước!

Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.