Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống đẹp tươi qua ống kính

09:00, 17/10/2021

Dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 26, năm 2021 vẫn được tổ chức và để lại nhiều ấn tượng. Lễ trao giải Liên hoan vừa được tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng phòng họp Zoom diễn ra trang trọng với nhiều cung bậc cảm xúc.

Với vai trò là đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan, Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đã dày công chuẩn bị, kết nối cùng các đơn vị để chương trình diễn ra thành công, an toàn và ấn tượng. Buổi lễ trao giải trực tuyến có sự tham gia của các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Bộ ảnh "Phút giải lao" của NSNA Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) đoạt Huy chương Vàng. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Không chỉ linh hoạt tổ chức lễ trao giải bằng hình thức trực tuyến, Ban tổ chức cũng đã làm mới liên hoan bằng việc công bố các tác phẩm được trưng bày triển lãm và đoạt giải thưởng đến công chúng cùng tác giả thông qua sách ảnh kỹ thuật số, định dạng file PDF,  đem đến những năng lượng tích cực, giúp mọi người vơi bớt những âu lo, căng thẳng trong điều kiện dịch bệnh hoành hành.

 

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo cuộc thi đã thống nhất tổ chức buổi lễ trao giải bằng hình thức trực tuyến với đầu cầu chính là Đắk Lắk kết nối với các điểm cầu tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đặc biệt cách thức trao giải năm nay cũng khác với những năm trước, tác giả đoạt giải ở tỉnh/thành phố nào sẽ được lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật ở tỉnh/thành phố đó trao giải và trực tuyến về Ban tổ chức, phát sóng lên tất cả các đầu cầu và đến khách mời tham dự.

Ấn tượng của buổi lễ trao giải còn đến từ chính những tác phẩm đoạt giải được trưng bày tại đây. Với chủ đề “Đất nước - Con người Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng các tác giả vẫn rất nỗ lực, lặn lội săn tìm những khoảnh khắc đẹp về đất nước, con người, thiên nhiên trên mảnh đất miền Trung – Tây Nguyên.

Từ những ngọn thác hùng vĩ, hoang sơ đầy mê hoặc và quyến rũ của núi rừng Tây Nguyên đến vóc dáng các công trình mới của những thành phố trẻ, hay nét đẹp sinh hoạt văn hóa, lễ hội đậm sắc màu, hoạt động bình dị của cuộc sống thường ngày…

Đó là những hình ảnh quen thuộc nhưng qua lăng kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), 172 bức ảnh lọt vào vòng trưng bày, xét giải của Liên hoan đã thể hiện những góc nhìn mới, mang tính phát hiện và độc đáo gắn với thực tiễn cuộc sống.

Đơn cử như tác phẩm "Phút giải lao" của NSNA Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) chụp về khoảnh khắc nghỉ ngơi ngắn ngủi của lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch ở TP. Đà Nẵng gây ấn tượng mạnh cho người xem.

NSNA Huỳnh Văn Truyền chia sẻ: “Những hình ảnh được chụp tại chung cư Ocean View (95 Ngô Quyền, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) khi dịch COVID-19 bùng phát, dù vẫn sợ có thể bị lây nhiễm, thế nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh và trách nhiệm người nghệ sĩ thôi thúc tôi phải đến tận nơi, ghi lại được những hình ảnh thời sự đang diễn ra. Bộ ảnh cũng thay lời gửi gắm của tôi cũng như anh em NSNA tri ân sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, để mỗi khi nhìn lại những hình ảnh này, chúng ta càng trân trọng hơn những cống hiến của họ”.

Qua góc nhìn nhiếp ảnh từ trên cao, “Kéo lưới trũ trên sông Trà” của NSNA Nguyễn Đức Minh (Quảng Ngãi) đã tái hiện vẻ đẹp lao động đời thường của cư dân vùng sông nước.

Tác phẩm "Ánh mắt" của NSNA Vũ Duy Thương (Đắk Lắk) đoạt Huy chương Đồng. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Để bắt được khoảnh khắc, tác giả đã ứng dụng công nghệ kết hợp xử lý bố cục ánh sáng cùng phong cảnh hài hòa để vẻ đẹp kéo lưới trở thành một tác phẩm nghệ thuật có thanh âm độc đáo.

Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 26 để lại ấn tượng với những tác phẩm đặc sắc cùng thông điệp cuộc sống ý nghĩa và lễ trao giải đặc biệt.

Thúy An

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.