Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai trẻ mê sáo mèo

09:17, 06/11/2021

Sinh ra, lớn lên trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió nhưng anh Nguyễn Việt Hùng (SN 1997) ở tổ dân phố 5, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc lại mê đắm sáo mèo, một nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hmông.

Năm học lớp 10, Hùng nhìn thấy các bạn cùng lớp học thổi sáo mèo, thích quá về nhà mở Youtube nghe. "Tiếng sáo khi réo rắt, vi vút trên đỉnh núi cao đầy sương mù, khi du dương, mượt mà đưa người nghe lạc vào bản làng người Hmông giữa núi rừng Tây Bắc đã làm tôi say mê. Ngay hôm sau tôi đã tìm mua một cây sáo mèo đem đến trường học thổi cùng bạn bè, tự mày mò học hỏi thêm", anh Hùng trò chuyện.

Anh Nguyễn Việt Hùng tham gia biểu diễn sáo mèo trong Ngày hội Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông huyện Krông Pắc năm 2015. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau gần 4 tháng tập luyện, anh Hùng đã thổi thành thạo cả hai loại sáo mèo đơn và sáo mèo kép. Anh Hùng chia sẻ: “Thổi sáo mèo kép khá khó, người thổi cần có hơi khỏe, biết cách giữ hơi, ém hơi để hơi thổi ra đều. Người chơi sáo cũng giống như tập khí công, hơi thở sâu, tốt cho sức khỏe, các đầu ngón tay cũng rất linh hoạt”.

Ngoài thổi sáo mèo, anh Nguyễn Văn Hùng còn tự học và đánh được đàn piano, organ, guitar.

Trong khi không ít bạn cùng học thổi sáo mèo đã bỏ cuộc thì anh Hùng lại đam mê với loại nhạc cụ bộ hơi này. Không chỉ thổi thành thạo các ca khúc Xuân về trên bản Mông, Phiên chợ vùng cao, Âm vang núi rừng, Tình ca Tây Bắc…, anh Hùng còn thổi nhiều bản nhạc hiện đại. Biết Hùng có tài thổi sáo, thầy cô giáo trong trường khuyến khích tham gia biểu diễn sáo mèo tại Ngày hội Khi tôi 18, Gặp mặt và tuyên dương sinh viên dân tộc thiểu số huyện Krông Pắc và nhiều cuộc thi khác. Qua đó anh đã đoạt nhiều giải thưởng cao, như: Giải Nhất Giai điệu tuổi hồng cấp trường (năm 2014); giải Nhất Diễn tấu nhạc cụ dân tộc cấp huyện năm 2014, 2018; giải Ba Diễn tấu nhạc cụ dân tộc cấp tỉnh năm 2014. Khi được hỏi về những giải thưởng của mình, Hùng khiêm tốn: “Đam mê thôi thúc em tìm hiểu về sáo mèo, đam mê thôi thúc em thử sức tại nhiều cuộc thi và may mắn đạt giải thưởng".

Anh Nguyễn Việt Hùng thổi sáo mèo mỗi khi rảnh rỗi.

Thi đỗ vào một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, trong hành trang mang theo của Hùng có cây sáo mèo. Tiếng sáo mèo của tân nam sinh viên đến từ đại ngàn Tây Nguyên lại vút cao, lay động giảng viên, sinh viên nơi học tập, nhiều bạn ngỏ ý nhờ Hùng chỉ dạy và được anh hướng dẫn tận tình. Song sau một thời gian cũng chỉ trụ lại được vài bạn học thổi sáo mèo đơn.

Không chỉ đam mê thổi sáo, anh Hùng còn thích sưu tầm các loại sáo khác nhau. Lúc mới tập thổi sáo mèo, anh Hùng mua cây sáo giá vài chục nghìn đồng; lên đại học, đi làm thêm dành dụm được ít tiền, anh mua cây sáo mèo giá vài trăm nghìn đồng... và giờ đang sử dụng cây sáo mèo hơn 2 triệu đồng. Tuy không phải là cây sáo mèo đắt nhất trên thị trường, nhưng là cây có âm thanh anh Hùng thích nhất. Thật lạ, thích sưu tầm nhưng anh Hùng không giữ làm của riêng, các cây sáo mèo không sử dụng đến đều được anh tặng cho bạn bè có mong muốn học thổi sáo mèo. Hiện anh Hùng chỉ giữ 1 cây sáo bầu, 2 cây sáo ngang, 1 cây sáo mèo cho riêng mình.

 

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.