Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Kim chỉ nam cho công tác văn hóa thời kỳ mới

15:49, 27/11/2021

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11 đã mang đến sự kỳ vọng và tin tưởng về một dấu mốc mới trên con đường xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trong thời kỳ mới.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với ông ĐẶNG GIA DUẨN, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chung quanh vấn đề này.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn (bên trái) trò chuyện cùng phóng viên.

*Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đề cập sâu sắc, toàn diện quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa. Ở góc độ công tác quản lý văn hóa, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Tôi rất xúc động, tự hào, bởi vì lâu lắm rồi mới có một hội nghị mà ngay cả khi kết thúc rồi lòng vẫn nguyên vẹn cảm xúc lâng lâng, khó tả. Lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc như được hun đúc dày lên, thôi thúc mình phải có trách nhiệm hơn đối với những gì mình đã và đang làm đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Tôi tin tưởng rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, chính quyền, cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ có thêm nhận thức mới mẻ về công tác văn hóa nói chung sau hội nghị và đặc biệt là phần phát biểu quan trọng, toàn diện, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bên cạnh những vấn đề chung mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, tôi rất mừng vì những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Tây Nguyên đã được nhắc đến nhiều lần trong một hội nghị. Đó là phải có những giải pháp cụ thể để không có sự chênh lệch quá lớn giữa văn hóa của các vùng, miền và đặc biệt là phải thu hẹp khoảng cách về văn hóa giữa vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; phải có những giải pháp cụ thể để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và đặc biệt là đối với di sản đã được công nhận.

Những định hướng, chỉ đạo tại hội nghị sẽ là kim chỉ nam cho cán bộ ngành văn hóa như chúng tôi có cơ sở để trong thời gian tới tham mưu kế hoạch cụ thể, hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo, nội dung của hội nghị lần này.

*Qua lắng nghe từ hội nghị và soi chiếu tình hình thực tế địa phương, theo ông thì trong công tác văn hóa của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần lưu tâm những vấn đề gì?

 Với bề dày của lịch sử và văn hóa Tây Nguyên nói chung, đặc biệt đối với Đắk Lắk, sự đa dạng của 49 dân tộc anh em đã tạo nên những sắc màu văn hóa độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Đây sẽ là nền tảng để trong thời gian tới, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy thì cũng là cơ hội tốt, là vốn quý để Đắk Lắk phát triển du lịch.

Tuy nhiên, Đắk Lắk nói chung và văn hóa nói riêng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất hiện nay là sự phát triển quá mạnh mẽ của thời kỳ 4.0 trong bối cảnh toàn tỉnh có rất nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá lạc hậu, hạ tầng cơ sở chưa đủ để theo kịp, bắt nhịp xu hướng thời cuộc.

Thứ hai là nguồn lực đầu tư cho văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những thiết chế văn hóa như nhà văn hóa cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số và trang thiết bị văn hóa còn hạn chế, cần được quan tâm đầu tư thêm.

Thứ ba là hiện nay, cán bộ làm văn hóa của tỉnh được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Đây là một lợi thế nhưng cũng là một thách thức rất lớn, bởi vì làm công tác văn hóa cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều cán bộ cơ sở đã lớn tuổi, trong bối cảnh hội nhập thì việc linh hoạt, thích ứng chưa theo kịp với yêu cầu.

* Trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý rằng, văn hóa không phải là thứ dễ định lượng, không dễ thấy, việc đánh giá kết quả làm được hay chưa được về văn hóa không chỉ trong thời gian ngắn. Như vậy, trước mắt việc kế thừa, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc sẽ được ngành văn hóa, thể thao và du lịch cụ thể hóa như thế nào?

Trong thời gian tới, với vai trò, nhiệm vụ của mình, ngoài việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết về chế độ, chính sách cho đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh với những quy định hết sức cụ thể, thỏa đáng để họ có động lực và chuyên tâm vào việc phát huy các giá trị văn hóa.

Bên cạnh việc khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, chúng tôi đang tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu bảo đảm tính kế thừa, lâu dài, thường xuyên, liên tục trong việc góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy có hiệu quả Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh theo nội dung đã cam kết với Tổ chức UNESCO.

Đồng thời từng bước khôi phục Không gian Văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sẽ có những kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch và chính quyền các địa phương để triển khai những mục tiêu ấy. Những giải pháp được triển khai thực hiện cụ thể, thiết thực sẽ góp phần giúp cho văn hóa tỉnh nhà ngày càng phát triển.

* Xin cám ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.