Miền đất huyền thoại bên dòng Đồng Nai
Còn nhớ, ngày mới vào nghề, chưa hề đặt chân đến Cát Tiên, huyện xa xôi nhất ở phía nam tỉnh Lâm Đồng, chỉ nghe những câu chuyện thực thực hư hư về xứ sở giàu trầm tích ấy qua lời kể của nhà dân tộc học Đinh Thị Nga mà trong tôi đã thấy háo hức.
Hồi đó chị làm việc ở Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, say mê dân tộc học, lang thang suốt với đồng bào ở vùng thượng nguồn các con sông Tây Nguyên. Trong một chuyến điền dã vào đầu năm 1985, Đinh Thị Nga và người đồng nghiệp Hồ Thị Thanh Bình đã chứng kiến những cổ vật “lạ lẫm” đầu tiên mà mấy bác nông dân vô tình nhặt được trong lúc cuốc rẫy trồng ngô ven triền phù sa cổ.
Phát hiện của hai nữ cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đã ghi dấu mốc đầu tiên cho việc sau đó xuất lộ dần một quần thể di tích với hệ thống đền đài hoành tráng suốt gần hai mươi cây số bên bờ bắc của dòng Đồng Nai. Hơn hai mươi năm sau, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt.
Câu chuyện của chị Đinh Thị Nga, cùng với sự mê hoặc những cánh rừng cổ sinh ngàn đời trong không gian của đồng bào tộc Mạ, S’Tiêng nuôi những con tê giác cuối cùng cho đến ngày tuyệt chủng và sự huyền bí thiêng liêng của đa tầng lịch sử trong lòng đất thượng nguồn đã mang lại cho tôi biết bao cảm xúc với vùng đất này…
* * *
Gần 30 năm trước, lần đầu tiên đến với Cát Tiên, tôi đã bàng hoàng trước vẻ đẹp nguyên sơ của xứ sở này. Một vùng đất chứa trong mình thẳm sâu những địa tầng ký ức. Ở Cát Tiên, có thể khám phá những buôn làng cổ xưa nhất ở vùng nam Tây Nguyên với hình ảnh của những mái nhà sàn tre tranh, những bếp lửa suốt ngày đêm không tắt, những công cụ chế tác đơn sơ của người S’Tiêng, Mạ, Cơ Ho bản địa.
Ở Cát Tiên, có thể thưởng thức câu hát jaljău mộc mạc; hòa mình vào vòng suang hoang dã với những thiếu nữ uyển chuyển ngực trần. Tiếng chiêng ở nơi này cất lên trong đêm rừng hình như cũng còn giữ nét hồn nhiên. Ở Cát Tiên, có thể nghe rì rào âm ba dòng Đồng Nai kể chuyện cũ xứ sở và đặt tay lên phế tích đền tháp uy nghi xuất lộ từ lòng đất mà ngẩn ngơ tìm cảm hứng lịch sử. Mỗi viên gạch cổ, mỗi hiện vật, mỗi thớ đất trong lòng Cát Tiên đều vang vọng tiếng quá khứ gọi về.
Các chuyên gia hàng đầu về lịch sử từng đến và sờ tay lên đất đá nơi này để tìm kiếm chân lý khoa học, như Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Chinh, Trần Quốc Vượng rồi Đào Lin Côn, Lê Đình Phụng, Bùi Chí Hoàng… Quần thể Di tích quốc gia đặc biệt ấy được phát hiện đã gần 40 năm, đã có hàng trăm bài nghiên cứu, hàng chục cuộc khai quật và hội thảo chuyên đề, nhưng chưa có những kết luận khoa học thỏa đáng. Lòng đất Cát Tiên còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn.
Tượng đài Chiến thắng tại Di tích lịch sử khu 6 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). |
Trở lại lần này, anh Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng và các cán bộ thuộc Ban Quản lý di tích Cát Tiên đã dẫn chúng tôi thăm một phần quần thể di tích. Những ngôi đền tháp, đền mộ lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện trong kiểu dáng, vươn lên trong một không gian huyền diệu, thể hiện một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ. Đó còn là rất nhiều những hiện vật quý báu mà tôi từng chứng kiến: nhiều cặp ngẫu tượng linga - yoni, biểu tượng của cư dân cổ xưa với tín ngưỡng phồn thực; là những bức tượng phúc thần Ganêsa, Siva, Umar… bằng chất liệu đá quý và kim loại.
Đặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm lá vàng và phù điêu bằng vàng với kỹ thuật vẽ nổi và khắc chìm tinh xảo. Hiện vật phát hiện được từ di tích Cát Tiên ngày càng nhiều và phong phú. Không thể thống kê hết, xin dẫn lời TS. Lê Đình Phụng: “Đây là khu di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu có giá trị nhất không những ở Đông Nam bộ mà cả vùng đất phương Nam trong lịch sử. Quy mô kiến trúc, số lượng hiện vật hòa nhập với nhau thành một thể thống nhất đã khẳng định đây là một khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương Nam”.
Ai là chủ nhân của di tích Cát Tiên? Câu hỏi này hơn hai chục năm qua tôi đã mang đi hỏi nhiều nhà khoa học. Sau những phát hiện đầu tiên, các nhà khảo cổ học tại TP. Hồ Chí Minh dự đoán: Cát Tiên có thể là đô thị tôn giáo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ II - VII (SCN).
Trong một diễn đàn hội thảo, cố GS. Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Di tích Cát Tiên là điểm quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia, nhà nước cổ đại phương Nam. Với những chứng tích và di vật từ Cát Tiên có thể khôi phục được lại giai đoạn lịch sử không thành văn mà Cát Tiên là một trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia cổ đại”.
Cố GS. Trần Quốc Vượng, Đại học quốc gia Hà Nội, thì lại đưa ra một nhận định gợi mở về sự liên quan đến cổ dân người Mạ. Mọi giả thiết vẫn cứ là giả thiết. Chỉ biết rằng, cuộc viếng thăm quần thể di tích đã cho chúng tôi trải nghiệm thú vị, cảm quan về một không gian trầm tích thiêng liêng từ thời quá khứ ắp đầy tâm hồn…
* * *
Người già S’Tiêng ở buôn Bù Bi Nao hay người già Mạ ở buôn Bù Ra Rá đều nói, cái tên Cát Tiên ra đời từ một huyền thoại, kể về một bãi tắm của thiên tiên giáng trần. Cho đến ngày nay, dấu tích của bãi tắm tiên ấy vẫn còn tồn tại cùng với những bàu sen, bàu cá sấu, bàu cá lóc, bàu cá trắm, bãi chim và những giống quả, giống cây độc đáo.
Lần giở thư tịch cũ, năm 1936 người Pháp sau khi khảo cứu và chụp bản đồ toàn vùng bằng không ảnh, đã nhận định Cát Tiên là rừng đầm lầy á nhiệt đới của xứ Đông Dương. Trong kháng chiến, Cát Tiên là địa danh nhỏ thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, vùng cửa ngõ của chiến khu D kiên cường. Giữa những cánh rừng đại ngàn vắng dấu chân người, giữa một không gian phế tích ngàn năm ngủ yên trong lòng đất, có một thời đã từng bị khuấy động bởi chiến tranh. Vùng đất cổ bên dòng Đồng Nai một thời là đại bản doanh của khu 6 anh hùng.
Đồng bào các dân tộc ở xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) trong ngày hội buôn làng. |
Ở nhiều vùng quê khác, chuyện chiến tranh gần như đã lùi về ký ức, nhưng với người dân Cát Tiên, vẫn còn tươi rói. Cụ Điểu K’Khen, một cựu du kích của xã Tư (tên gọi thời chiến tranh chống Mỹ, thuộc K29, Phước Long cũ, nay là thôn 4, xã Phước Cát 2) đã ở tuổi bát tuần và hơn năm mươi tuổi Đảng, say sưa kể về những kỷ niệm ở quãng thời gian nửa thế kỷ trước.
Đó là những tháng ngày cụ cùng C200 nhận nhiệm vụ của Trung ương cục miền Nam mở đường đón đoàn B90 là những cán bộ cao cấp từ miền Bắc trở về, khai thông đường chiến lược Bắc - Nam. Con đường ấy đã in dấu chân các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Trần Nam Trung, Mai Chí Thọ… trên hành trình về Nam lãnh đạo nhân dân kháng chiến.
Nối chuyện với K’Khen, các cựu du kích Điểu Thị Hơn, Điểu K’Băm như sống lại với một thời hào hùng qua câu chuyện về sự hợp lực của du kích các xã Ba, Tư, Năm, Sáu trong trận đánh ác liệt diễn ra nhiều ngày chống Mỹ - Ngụy đổ bộ tại đồi Đăng Xa, trận đánh trả trực thăng vận trên núi Bờ Xa Lu Xiêng…
Hôm nay trên vùng đất Cát Tiên, nơi in dấu nhiều địa tầng trầm tích, vùng chiến địa anh hùng thuở nào đang vang vọng những âm sắc mới. Trong từng thớ đá, tấc đất, trên ngọn núi cao hay dưới dòng sông sâu như vang vọng tiếng nói của quá khứ, của truyền thống cha ông hiện về.
Nhiều lần đến và nhiều lần trở lại, Cát Tiên trong tôi vẫn vẹn nguyên sự hấp dẫn chứa đầy bí ẩn. Vùng đất xa ngái ấy có gì mà lúc nào cũng cảm giác nhớ về, ám ảnh và neo đậu tâm hồn…
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc