Truyền dạy đánh cồng chiêng: Tránh chạy theo “phong trào”
Việc giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích lớp trẻ người dân tộc thiểu số tại chỗ kế thừa, phát huy vốn văn hóa truyền thống luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Điều quan trọng là làm sao để việc làm này đạt thực chất, hiệu quả như mong muốn.
Sự khuyết thiếu từ những đội chiêng trẻ
Ví như việc truyền dạy đánh chiêng, hằng năm địa phương nào cũng triển khai và có báo cáo kết quả gửi cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, ngành văn hóa tổng hợp và công bố một con số cụ thể. Tuy nhiên, để khẳng định chất lượng, hiệu quả của công tác này, rất cần có sự khảo sát, đánh giá bài bản, đầy đủ và khoa học.
Đội chiêng trẻ buôn Ea Tam trình diễn chiêng tre tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Kô Tam. |
Chúng tôi đã gặp gỡ, tìm hiểu vấn đề đáng quan tâm ấy từ một số nghệ nhân, nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa trên địa bàn tỉnh để có cái nhìn thực chất hơn. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk), nghệ nhân Y Bhiong (còn gọi là Ama Loan ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi), Y Duê Niê, Y Míp Ayun (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột ) là những người được ngành văn hóa địa phương thường xuyên mời truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ hiện nay. Qua thực tế, họ đã nhận xét rằng: Lớp học mở ra khá nhiều, học viên tham gia cũng đông, nhưng thật lòng mà nói thì vẫn trong tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Nghĩa là kẻ dạy, người học trong thời gian ngắn (từ 5 – 7 ngày) thì không thể nắm vững được kiến thức và thực hành thuần thục kỹ thuật/kỹ năng diễn tấu cồng chiêng. Thêm nữa, nhiều người trong số học viên không phải đến từ niềm đam mê, mà chỉ tham gia theo kiểu “phong trào” nên kết cục là chóng chán, mau quên.
Dẫn chứng mà những nghệ nhân trên đưa ra là trong Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Đắk Lắk năm 2020 vừa qua, chỉ có hai đội chiêng trẻ tham gia trình diễn, còn lại là những đội chiêng đã lớn tuổi. Theo nghệ nhân Y Bhiong, có thể nhìn gần từ TP. Buôn Ma Thuột để thấy rõ hơn về “lỗ hổng” này - đó là theo báo cáo thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2020 có gần 20 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ được mở ra tại đây; trong số 33 buôn làng trên địa bàn thành phố hầu hết đều có đội chiêng trẻ kế thừa, nhưng tại kỳ liên hoan cồng chiêng trên lại không có mặt đội chiêng trẻ nào. Lý giải điều này, ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, do không bảo đảm chất lượng (kỹ thuật diễn tấu, khuyết thiếu trong phiên chế dàn chiêng) nên không tìm được đội chiêng trẻ nào đủ điều kiện để góp mặt.
Tương tự, huyện Cư M’gar là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ, song tại những kỳ liên hoan, giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp vẫn khó tìm được những đội chiêng trẻ có chất lượng để đáp ứng. Theo ông Y Mang, Phó Phòng VH-TT huyện Cư M’gar, hạn chế đó cũng bắt đầu từ nhận thức, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống ở đây vẫn còn rơi vào tình trạng “phong trào”.
Theo học đánh chiêng từ nhu cầu tự thân
Thẳng thắng bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình về việc truyền dạy cồng chiêng, nhiều nghệ nhân tâm huyết đưa ra góc nhìn thực tế và căn cơ để hướng mọi nỗ lực của cộng đồng, xã hội về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này một cách thực chất và hiệu quả hơn.
Nghệ nhân Y Bhiong và Y Duê Niê đều cho rằng, nỗ lực tự thân của mỗi thành viên, cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy vốn quý ông bà để lại mới là điều quan trọng, cốt yếu nhất. Nhận thức ấy một lúc đến từ nhiều phía - là ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là sinh kế được tạo nên từ giá trị di sản cồng chiêng. Thực tế đó đang hiện diện sinh động tại những buôn làng có điều kiện làm du lịch cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, như buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Kô Tam (phường Tân Hòa), Đắk Tour (xã Hòa Phú), Ea Bông (xã Cư Êbur). Lớp trẻ học đánh chiêng từ cha anh mình, từ trong gia đình ra ngoài cộng đồng để không những gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc, mà còn lấy đó làm điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội cho gia đình và cả buôn làng.
Đội chiêng trẻ trong tour du lịch văn hóa cộng đồng buôn buôn Ea Bông - xã Cư Êbur thường xuyên góp mặt trong các kỳ Ngày hội Văn hóa - Thể thao TP. Buôn Ma Thuột. |
“Nghị quyết về Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được HĐND tỉnh thông qua. Nên chăng, khi triển khai thực hiện có thể lồng ghép chương trình/đề án truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ trong các buôn làng thông qua gia đình, cộng đồng giúp họ vừa làm du lịch vừa bảo tồn, phát huy vốn văn hóa của mình hiệu quả, bền vững hơn”. Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột
|
Suy nghĩ và cách làm của nghệ nhân Y Thim Byă (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur) đã chứng tỏ điều này. Anh cùng một số anh em trong buôn đứng ra thành lập, đào tạo đội múa hát dân gian, kết hợp với trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách đến đây khám phá, trải nghiệm thông qua tour du lịch văn hóa, cộng đồng do anh đảm trách trong gần 5 năm qua đã cho thấy hiệu quả thực chất của việc gìn giữ, trao truyền, quảng bá di sản này. Học viên theo học đánh chiêng xuất phát từ nhu cầu tự thân, tìm kiếm cơ hội để vươn lên cải thiện đời sống cho bản thân và gia đình.
Y Thim chân tình, cởi mở: Không riêng gì buôn Ea Bông, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện nay có nhiều tụ điểm sinh hoạt, diễn tấu cồng chiêng phục vụ du lịch được mở ra và các em học đánh chiêng là để đáp ứng nhu cầu này. Những lớp học được tổ chức theo tinh thần ấy, bao giờ người dạy, kẻ học cũng hết mình - và tất nhiên sẽ có hiệu quả, thực chất hơn so với những lớp theo kiểu “phong trào”. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý văn hóa cần lưu tâm để có giải pháp, hướng đi phù hợp nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc