Lấp lánh những tia nắng ngược mùa
Từ chất liệu hiện thực, qua lăng kính của các văn nghệ sĩ, những tác phẩm văn học - nghệ thuật như những tia nắng ấm giữa mùa giông bão, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu và nhân dân vững tin, đoàn kết sớm đẩy lùi dịch COIVID-19.
Nét cọ “vẽ” niềm tin
TP. Hồ Chí Minh - mùa giãn cách xã hội năm 2021! Họa sĩ Trần Thị Đào gọi đó là những những tháng ngày khó quên khi chứng kiến thành phố sôi động này phải oằn mình trong một trận chiến không khoan nhượng. Qua các tác phẩm “Vững tin”, “Tiếp sức hồi sinh”, “Tuyến đầu chống dịch COVID-19”, người xem sẽ nhớ lại một TP. Hồ Chí Minh im lìm, người dân không ra khỏi nhà, chỉ có thể nhận những món hàng cứu trợ từ những người lính; là những tháng ngày dịch bệnh, người dân phải thường xuyên đi test COVID-19; là hình ảnh đẹp về các y bác sĩ nỗ lực chữa trị bệnh nhân…
Và không phải ngẫu nhiên, người họa sĩ ấy chọn màu xanh là gam màu chủ đạo cho các bức vẽ. “Qua các bức tranh, tôi mong muốn truyền đi thông điệp lạc quan đến với mọi người: Vững tin chúng ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh”, họa sĩ Trần Thị Đào bày tỏ.
Họa sĩ Trần Thị Đào hoàn thiện tác phẩm “Tiếp sức hồi sinh”. |
Họa sĩ trẻ người Êđê - Y Buih Niê cũng để lại dấu ấn với các tác phẩm giàu cảm xúc về chống dịch COVID-19. Trong đó, phải kể đến tác phẩm khắc họa hình ảnh người lao động nghèo dắt díu nhau về quê tránh dịch. Lấy cảm hứng từ sự việc đầu tháng 10, TP. Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, hàng ngàn người lao động đổ xô về quê, tác phẩm thể hiện khung cảnh nhà sàn - hình ảnh biểu trưng của buôn làng bị chăng dây vì dịch bệnh. Bằng nét vẽ mộc mạc, gần gũi, Y Buih đã mang đến những góc nhìn nhân văn về con người giữa đại dịch, là hành trình hồi hương đầy nỗ lực, xúc cảm, là hình ảnh buôn làng trong “cơn bão” COVID-19. Qua bức vẽ, người họa sĩ ấy muốn gửi gắm niềm mong mỏi, hy vọng đại dịch sớm qua đi, buôn làng sớm bình yên trở lại.
Tiếng hát “át”… nỗi lo
Khi tiếng hát cũng là “vũ khí” hữu hiệu có sức lan tỏa lớn trong “cuộc chiến” chống dịch COVID-19, mỗi nhạc sĩ với góc nhìn, cảm nhận của mình đã góp những giai điệu, lời ca cổ vũ tinh thần đồng bào chống dịch.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh, tác giả của nhạc phẩm “Nhớ! Nhớ! Nhớ! 5K” |
“Nhớ nhớ 5K/ Không chủ quan coi thường/ Ta thấy đâu mà tránh, chấp hành thật nghiêm vì sức khỏe cộng đồng…”. Với giai điệu sôi động, ca từ dễ nghe, bài hát “Nhớ! Nhớ! Nhớ! 5K” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh ngay khi ra đời đã được công chúng đón nhận, được phát thường xuyên trong các bản tin tuyên truyền của phường, xã nhằm nhắc nhở mọi người tuân thủ 5K, không chủ quan với dịch bệnh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh bày tỏ, bản thân không thể ra ngoài “mặt trận” để cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch nên dùng nốt nhạc, lời ca để động viên mọi người lạc quan, hướng đến ngày mai tươi sáng.
“Với hơn 200 tác phẩm được đăng trên Tạp chí Chư Yang Sin và rất nhiều sáng tác của các văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đăng trên các diễn đàn đã bám sát hoạt động phòng, chống dịch; cổ vũ người dân nghiêm túc thực hiện 5K; ngợi ca lực lượng tuyến đầu chống dịch… Ngoài việc cho ra đời nhiều tác phẩm hay về đề tài phòng chống dịch, hội viên còn có nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân đến lực lượng tuyến đầu và người dân đang ngày đêm chống dịch bệnh…” . Nhà văn NIÊ THANH MAI, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk
|
Là nhạc sĩ tích cực sáng tác về phòng, chống dịch COVID-19, nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành cũng cho ra đời 4 tác phẩm ý nghĩa: “Cùng vượt qua đại dịch”, “Gởi tuyến đầu”, “Vì chúng ta là một” và “Tiếng vọng”. Trong đó, phải kể đến bài ballad “Gởi tuyến đầu”, nội dung kể về những nỗi đau do dịch bệnh gây ra nhưng âm điệu không ủ rũ mà toát lên sự hào hùng, như lời tri ân sâu sắc tới sự cống hiến hết lòng của các y bác sĩ, công an, bộ đội đã bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Văn thơ cũng… xung phong
Các nhà thơ, nhà văn thuộc Chi hội Văn học - Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk cũng hăng say sáng tác những tác phẩm về chống dịch. Tiêu biểu như các nhà thơ: Nguyễn Duy Xuân, Đỗ Toàn Diện, Hồ Hồng Lĩnh hay các nhà văn: Niê Thanh Mai, Ánh Nguyệt, Nguyễn Văn Thiện… Một trong những tác phẩm ấn tượng là “Cuộc “hồi hương” không mong đợi” của nhà thơ Nguyễn Duy Xuân: “Cuộc trở về/ không mong đợi/ xót xa/ cay đắng/ buồn tủi,/ nơi quê nghèo/ dẫu rau cháo/ vẫn ấm tình quê hương…”. Hay bài thơ tuyên truyền, nhắc nhở dành cho lứa tuổi thiếu nhi: “Mẹ bảo chống giặc Cô vít/ Ở trong nhà nhé, bé ngoan!/Vậy sao ông bà Dân phố/ Lại ra chơi đồ hàng?...” (“Điều kỳ lạ” - Đoàn Triệu Long).
Tác phẩm “Ngày buôn cách ly” của Họa sĩ Y Buih Niê. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Bức tranh chống dịch đầy sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu còn được nhà văn Niê Thanh Mai khắc họa rõ nét qua các tác phẩm: “Nhật ký chống dịch COVID-19: Thầm lặng nơi tâm dịch”, “Em không mệt đâu”, “Cồn 98 độ”… Với chị, đại dịch dẫu có đau thương, có mất mát, nhưng qua đó giúp ta hiểu và quý hơn những điều vốn dĩ bình thường.
“Chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhé/ Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước lại trong veo đến thế”. Giữa những tháng ngày khó khăn của đại dịch, lời thơ của Lưu Quang Vũ cứ thế ngân vang, rằng, giữa những nỗi đau, tình yêu thương, đoàn kết, động viên nhau của con người sẽ là “vắc xin” tinh thần mạnh mẽ nhất giúp ta chiến thắng đại dịch.
An Duyên
Ý kiến bạn đọc