Multimedia Đọc Báo in

Văn nghệ sĩ Đắk Lắk tràn đầy năng lượng sáng tạo

06:49, 16/01/2022

Với tình yêu, sự say mê với văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã không ngừng sáng tạo tạo nên những sắc màu thú vị cho đời sống văn học nghệ thuật ở địa phương trong năm 2021.

Dịch bệnh ập đến và kéo dài với diễn biến khó lường đã làm biến động, thay đổi mọi mặt trong xã hội. Văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ cũng không nằm ngoài sự tác động ấy. Tuy nhiên, vượt qua những hạn chế, khó khăn, Hội Văn học -  Nghệ thuật Đắk Lắk đã có cách thích ứng riêng, với những ý tưởng và nhiều hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện cho hội viên được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sáng tác. Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk cho biết: Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi chuyến đi thực tế sáng tác bị hoãn, hoạt động văn hóa văn nghệ gần như "đóng băng". Hội đã ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức các chương trình giao lưu bằng hình thức trực tuyến, thường xuyên giữ mối liên hệ với hội viên để gắn kết và động viên văn nghệ sĩ sáng tác.

Nghệ sĩ Dương Thị Thanh Nga biểu diễn trong Hội nghị tổng kết công tác Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk năm 2021.

Trong năm 2021, số lượng tác phẩm ở tất cả 7 chuyên ngành tăng lên, xuất bản 12 đầu sách, hơn 700 tác phẩm đăng tải trên Tạp chí Chư Yang Sin và nhiều sáng tác được giới thiệu trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Trong số đó có nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực đoạt giải cao như: tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai đạt giải B Giải thưởng Văn học các dân tộc thiểu số; tác phẩm “Giấc xuân” của họa sĩ Trần Thị Thu Vân đạt giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật do Hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam bình chọn; Ca sĩ Thanh Nga (Hội viên Chi hội Sân khấu điện ảnh) đạt giải Nhất tại Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ V…

 

Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, bằng cách này hay cách khác, đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk vẫn nuôi dưỡng “lửa nghề” cũng như phát triển bản thân”.

 
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk.

Những tác phẩm với chủ đề phong phú bám sát hơi thở cuộc sống và thời cuộc đã thể hiện vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ Đắk Lắk trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Ngoài đề tài phòng, chống dịch COVID-19 được văn nghệ sĩ khai thác ở nhiều góc độ, khắc họa lên bức tranh toàn cảnh của cuộc chiến với SARS-CoV-2, nội dung văn hóa, vùng đất con người Tây Nguyên cũng được các văn nghệ sĩ tập trung khai thác. Đó là những bức tranh về hoa dã quỳ, loài hoa mang vẻ đẹp dung dị đặc trưng của miền đất đỏ bazan của họa sĩ Hoàng Thị Duyên; hay những cảm xúc lắng đọng về vẻ đẹp của Buôn Ma Thuột trong tập thơ “Về Ban Mê đi anh” (Nguyễn Duy Xuân); những nét văn hóa truyền thống của buôn làng người Êđê trong tập thơ “Nơi bắt đầu lời nguyền” (Bùi Minh Vũ)...

Năm 2022 đã mở cửa, tiếp nối nguồn năng lượng ấy, các văn nghệ sĩ đã, đang và sẽ khởi động với nhiều chương trình, dự án. Trước thực trạng của thời buổi công nghệ số, mong muốn lan tỏa được nhiều hơn nữa những giá trị đẹp của văn học, nghệ sĩ Thanh Nga bên cạnh việc tiếp tục gắn bó với ánh đèn sân khấu sẽ xây dựng một kênh Youtube “Sách nói” tập hợp những tác phẩm văn học nhà trường để bồi đắp thêm tình yêu văn chương với thế hệ học sinh. Hay với họa sĩ Hoàng Thị Duyên vẽ về loài hoa dã quỳ vẫn là đề tài mà chị theo đuổi trong năm mới.

Đội ngũ văn nghệ sĩ Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk luôn tràn đầy năng lượng tích cực trong sáng tác.

Đã sống những ngày không thể quên khi TP. Hồ Chí Minh ở đỉnh dịch, chứng kiến sự đau thương, mất mát, hy sinh của rất nhiều người vì dịch COVID-19, để xoa dịu nỗi đau thương ấy và động viên tinh thần của mọi người cùng nhau cố gắng vượt qua đại dịch, trong năm 2022, nhạc sĩ Nguyễn Hương Thành tiếp tục chọn những giai điệu vui tươi, sôi nổi cùng lời bài hát có nhiều ý nghĩa để tạo nên những bản nhạc hay, đem lại những năng lượng tích cực cho mọi người. Gửi gắm ước vọng cho năm mới, nhạc sĩ Hương Thành chia sẻ: “Tôi mong mỗi người có sức khỏe tốt để chúng ta cùng nhau vượt qua dịch bệnh, luôn giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống, để cuộc sống sẽ trở lại nhịp bình thường như vốn có. Rồi sẽ có những chuyến đi thực tế, trại sáng tác và có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc ra đời”.

 

Ngọc Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.