Multimedia Đọc Báo in

Mong một “mùa bình thường”

08:33, 13/02/2022

“Rồi dập dìu mùa xuân theo én về/mùa bình thường/mùa vui nay đã về/mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/với khói bay trên sông/gà đang gáy trưa bên sông/một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…”.

Nghe những ca từ trong trẻo, lấp lánh niềm tin yêu và rất đỗi ấm áp ấy cất lên trong điệu valse thanh tân, nhẹ nhàng, người ta nhớ đến nhạc sĩ tài danh Văn Cao với tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” được ông viết trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thìn năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất.

“Mùa xuân đầu tiên” được Văn Cao cảm nhận như một “mùa bình thường” với cánh én, sương khói, tiếng gà gáy bên sông quê thanh bình và yên ả. Lắng trong cảnh sắc ấy là tình người, tình đời vời vợi: “Từ đây người biết quê người/từ nay người biết thương người” - và hơn thế, có lẽ là mơ ước, là dự cảm của ông về sự chia sớt niềm vui cũng như nỗi buồn mà con người ta phải nhận lãnh vì một lý do nào đó (chiến tranh, thiên tai hay địch họa). “Mùa bình thường” trong ca khúc trên, nay hát lên và lắng nghe trong trạng thái “bình thường mới” giữa cơn đại dịch COVID-19 sao cảm thấy ý nghĩa vô cùng. Vẫn tình người, tình đời vời vợi như thế và cảnh sắc trong mùa xuân này cũng dần ấm áp trở lại như “Mùa xuân đầu tiên” mà Văn Cao từng cảm nhận.

Ảnh: Internet

Tên nhạc phẩm là “Mùa xuân đầu tiên” nhưng trong cuộc đời của nhạc sĩ tài danh ấy lại là mùa xuân cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của mình, bởi sau đó ông “xếp đàn” lại để vẽ tranh và làm thơ. Tuy vậy, người yêu âm nhạc vẫn nhớ mãi những mùa xuân trong âm nhạc của Văn Cao.

Thời tiền chiến, ông đã có “Thiên Thai” được phát tiết ra trong sự hóa thân mình với chốn bồng lai tiên cảnh đầy sắc xuân: “Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian/có một mùa đào ngày tháng chưa tàn qua một lần…”. Rồi khi buồn lưu luyến về một “Cung đàn xưa”, Văn Cao lại da diết với mùa xuân: “Hồn cầm phong sương hình bóng xuân tàn” hay “Chiều năm xưa gót hài khai hoa/mắt huyền đưa xuân/dáng hồng thơm hương”.

Và có lẽ sâu đậm, lắng đọng nhất ở những giai điệu mùa xuân của Văn Cao trong thời kỳ này là ca khúc “Bến xuân” tràn ngập tình tứ: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi bóng/em đến chơi một lần/bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân/Tà áo em mang theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”. Sau tháng 8/1945, trên đường trường kỳ kháng chiến, âm hưởng mùa xuân vẫn cứ dìu dặt trong nhiều ca khúc của Văn Cao. “Trường ca Sông Lô” chở đầy sự kiện lịch sử của dân tộc và được nhạc sĩ kết lại bằng hình ảnh mùa xuân trên cung bậc cao nhất, chất chứa đầy khát vọng: “Dòng Sông Lô trôi/dòng Sông Lô trôi/mùa xuân tới nước băng qua ngàn/nước in ven bờ xanh ôm bóng tre/dòng Sông Lô trôi…”.

Cứ thế, nồng nàn mãi cho đến khi “Mùa xuân đầu tiên” cất lên, Văn Cao lại mang đến cho đời sống giai điệu dìu dặt, thiết tha hơn bất kỳ mùa xuân nào đi qua 72 năm cuộc đời ông. Giờ đây, “Mùa xuân đầu tiên” là mơ ước của bao người - và “mùa bình thường” chắc chắn sẽ trở lại trong nhịp sống nay mai.  

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.