Multimedia Đọc Báo in

Phát triển công nghiệp văn hóa: Động lực từ du lịch văn hóa

07:57, 17/04/2022

Du lịch văn hóa là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa có những hướng đi mới, hiệu quả trong chiến lược phát triển chung, đưa du lịch văn hóa trở thành một lĩnh vực tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa vốn đang còn mới manh nha...

Phát huy di sản

Từ khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể - Kiệt tác truyền khẩu của nhân loại (năm 2005), đến năm 2008 được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại”, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách, kế hoạch cũng như đề án bảo tồn, phát huy di sản này trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội.

Trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 2.300 bộ chiêng lớn, nhỏ được các gia đình, dòng tộc sở hữu, giữ gìn và bảo tồn; gần 3.900 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, trong đó có hơn 1.100 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và có khả năng truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng ở mọi cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp…

Biểu diễn cồng chiêng tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột.

Từ năm 2007 đến nay đã có 151 bộ chiêng các loại được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển đến các buôn làng, đội chiêng tiêu biểu, góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của bà con dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện cho họ duy trì và đẩy mạnh việc truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ hiện nay kế thừa, phát triển.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng được tỉnh chú trọng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016 - 2020.

Với việc triển khai nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng theo từng giai đoạn, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cồng chiêng được phục dựng; ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc được duy trì tổ chức định kỳ; tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.

Dệt thổ cẩm ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) - nét văn hóa đặc sắc được đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là lễ hội cấp quốc gia, định kỳ tổ chức 2 năm/lần, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Đắk Lắk cũng được UBND tỉnh phê duyệt đề án tổ chức cấp tỉnh, định kỳ 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2023. Bên cạnh đó, chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách (được tổ chức định kỳ 1 tháng hai lần, lúc 20 giờ tối thứ bảy tuần thứ 2 và tuần cuối của tháng) đã đa dạng hóa cách tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa truyền thống của nhân dân địa phương và du khách gần xa khi đến với tỉnh Đắk Lắk.

Có thể thấy không gian văn hóa cồng chiêng vì vậy không còn bó hẹp trong lễ nghi tâm linh và tín ngưỡng dân gian xưa, mà đã hiện diện sinh động trong đời sống, kể cả trên sân khấu hiện đại. Đây cũng là cách để lan tỏa một thực thể văn hóa được công nhận, tôn vinh cũng như tạo môi trường mới cho văn hóa cồng chiêng có thể hòa chung với nhịp sống hiện đại, trở thành nguồn “tài nguyên” mang lại nhiều giá trị trong phát triển du lịch văn hóa.

Khơi dậy tiềm năng và thế mạnh vùng đất

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được chỉ ra để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc đó là khẩn trương phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Ngành văn hóa cũng xác định mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước.

Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Khu du lịch Kô Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Với Đắk Lắk, so với một số địa phương khác, nhất là với các đô thị lớn, việc đầu tư, phát triển cùng lúc 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa là rất khó, bởi những hạn chế nhất định về điều kiện kinh tế, môi trường sản xuất, kinh doanh, nhịp độ giao thương, mặt bằng khoa học kỹ thuật...

Tuy nhiên, sự đa dạng về thành phần dân tộc đã tạo cho vùng đất Đắk Lắk những sắc màu văn hóa độc đáo. Cùng với điều kiện địa lý, giao thông thuận lợi, kết nối vùng và liên vùng, Đắk Lắk đã trở thành nơi giao lưu, hội tụ của các cộng đồng dân tộc trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch văn hóa phát triển, trở thành lĩnh vực đầu tàu, tạo động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Và một khi du lịch văn hóa phát triển chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển về hạ tầng và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực của công nghiệp văn hóa như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh,  triển lãm truyền hình và phát thanh.

Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 16/12/2019 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, không chỉ xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế - xã hội mà còn là đô thị mang bản sắc riêng của vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để Đắk Lắk tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần lan tỏa, khẳng định vị thế du lịch văn hóa Đắk Lắk trên bản đồ du lịch của cả nước.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: Đến năm 2045, xây dựng tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên, sinh thái, thông minh, bản sắc; là trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, công nghiệp phần mềm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; TP. Buôn Ma Thuột trở thành thành phố đáng sống trong khu vực. Để đạt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Đại hội đề ra là: Tập trung phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khuyến khích, hỗ trợ tối đa để hình thành các khu du lịch lớn về văn hóa, sinh thái gắn với đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.