Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (kỳ 2)
Kỳ 2: Đa dạng phương thức tiếp cận sách
Xây dựng văn hóa đọc là một câu chuyện dài, phải có sự đồng hành của rất nhiều phía, từ cơ quan quản lý nhà nước, tác giả, nhà xuất bản đến đơn vị phát hành, và quan trọng nhất vẫn là bạn đọc.
Đưa sách đi tìm người đọc
Thay vì người đọc đi tìm sách, thì nay với phương châm “sách đi tìm người đọc”, nhiều đơn vị từ nhà xuất bản đến đơn vị phát hành, thư viện… đã chủ động tạo ra những chương trình thú vị và hấp dẫn, đưa sách đến với công chúng. Đơn cử như Công ty Cổ phần Sbook (Sbook) - đơn vị xuất bản và phát hành sách (TP. Hồ Chí Minh) đã chọn TP. Buôn Ma Thuột là điểm đến tiếp theo trong hành trình xây dựng văn hóa đọc cho độc giả qua sách. Sách có rất nhiều, nhưng để chọn cho mình những cuốn sách đúng, bổ ích, phù hợp cũng không dễ dàng. Vì vậy, Sbook đã giới thiệu sách theo bộ như “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học dành cho học sinh cấp tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện; “Top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp” do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tuyển chọn… Khi chọn được một cuốn sách phù hợp thì tự nhiên mỗi người sẽ muốn đọc, sẽ kích thích xây dựng được văn hóa đọc cho bản thân và lan tỏa đến gia đình, người thân, bạn bè.
Một hoạt động tìm hiểu sách, đố vui tại Chương trình xe ô tô Thư viện lưu động do Thư viện tỉnh tổ chức. |
Đối với Thư viện tỉnh, đơn vị đã chủ động phối hợp với nhiều trường học, đơn vị cấp huyện, thị tổ chức phục vụ sách lưu động và thực hiện Chương trình xe ô tô Thư viện lưu động, có hơn 1.900 bản sách được phục vụ mỗi lần. Tại chương trình, các học sinh được tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực như: tham quan khu trưng bày sách, được lắng nghe cán bộ thư viện hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc, chọn loại sách phù hợp với sở thích, nhu cầu của bản thân, từ đó thúc đẩy thị hiếu đọc lành mạnh trong trường học cũng như ngoài xã hội, góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Biến đọc sách thành nhu cầu tự thân
“Hiện nay, Thư viện tỉnh có 191.103 bản, gần 150 loại báo chí phục vụ hằng ngày; báo lưu đóng tập; gần 9.887 tài liệu điện tử… đang lưu hành. Ngoài ra, 3 thư viện huyện/thị xã, 47 thư viện xã và phòng đọc, tủ sách cơ sở đang hoạt động để phục vụ, thu hút bạn đọc đến với thư viện”. bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh |
Từ gần với sách, yêu sách và xây dựng văn hóa đọc là cả một quá trình. Câu hỏi đặt ra là làm sao xây dựng, thúc đẩy được văn hóa đọc của mỗi cá nhân, rồi lan rộng ra gia đình, xã hội, trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà sưu tầm Võ Minh Luân, hội viên Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột) thuộc thế hệ 8X. Theo đuổi lĩnh vực sưu tầm, đòi hỏi phải tích lũy kiến thức để có thể nhận diện về niên đại, chất liệu, ý nghĩa, xuất xứ… của các hiện vật, mà những kiến thức xa xưa chủ yếu có được từ các cuốn sách. Vì thế, anh Luân đã hình thành cho mình văn hóa đọc, đó là tập thói quen đọc mỗi ngày, dù có bận đến mấy cũng dành 1 tiếng để đọc, vừa phục vụ nhu cầu công việc, sở thích của bản thân, vừa nhen nhóm lên tình yêu sách, văn hóa đọc đối với các thành viên trong gia đình, nhất là con cái. Với anh, sách không chỉ là người thầy mà còn là người bạn đồng hành, giúp nhà sưu tập trẻ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng…trong cuộc sống.
Một trong những thay đổi để xây dựng văn hóa đọc là đa dạng cách thức tiếp cận sách đến người đọc, nhằm khơi gợi, lan tỏa được sự hứng thú tìm tòi, khám phá những điều thú vị qua mỗi trang sách. Đơn cử như câu chuyện đưa sách về buôn của anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh (TP. Buôn Ma Thuột) và cộng sự. Anh Tuấn cho biết: “Từ năm 2019, tôi cùng cộng sự đã thực hiện chương trình “Thư viện về buôn” (tặng sách cho các trường học vùng sâu vùng sa của tỉnh – PV). Thời điểm đó, chúng tôi đơn thuần là tặng sách cho các trường với hy vọng các trẻ em vùng sâu, vùng xa sẽ có nhiều hơn những cơ hội tiếp cận sách, đọc sách. Thế nhưng sau 2 năm thực hiện chương trình, tôi nhận ra, muốn trẻ em đọc sách phải tạo cho các em một môi trường, một lý do thì mới giúp các em đọc sách, yêu thích và đam mê. Những cuốn sách được tặng chất đầy tủ sách cũng chẳng để làm gì nếu các em không có nhu cầu đọc”. Vì vậy, anh cùng Ban tổ chức chương trình đã thay đổi tư duy và thực hiện lại chương trình; đó là triển khai dự án “Sân chơi cho em”, trong dự án có kết hợp với hoạt động tặng sách cho các em nhỏ với mong muốn không chỉ giúp trẻ em tại các buôn làng vùng sâu có điều kiện vui chơi, phát triển trí tuệ toàn diện, sáng tạo mà còn tạo động lực để các em tích cực đến trường. Dự án đã xây dựng sân chơi với các trò chơi liên hoàn, phù hợp với các bạn nhỏ từ 3 đến 10 tuổi. Hầu hết, những nơi chương trình đến, các em đều yêu thích sân chơi, thích đến trường và từ đó cơ hội tiếp cận với sách, đọc sách cũng nhiều hơn.
Nhà sưu tầm Võ Minh Luân, hội viên Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam đọc sách để trau dồi kiến thức. |
Bên cạnh đó dự án còn tặng mỗi lớp học một giá sách và do lớp tự quản lý (trước đây tập trung vào một địa điểm do nhà trường quản lý), sẽ thực hiện tập huấn giáo viên, để họ chính là đại sứ đọc, xây dựng đội khuyến đọc làm cầu nối để các em yêu sách hơn, phát triển tình yêu sách, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hình thành văn hóa đọc cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Em Triệu Thị Vy (học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) hồ hởi chia sẻ: “Em rất thích sân chơi này, những lúc chơi mệt, nghỉ ngơi em lại lấy sách ra xem”.
Đó chính là thành công bước đầu trong quá trình hình thành, xây dựng văn hóa đọc cho các em, những thế hệ tương lai của đất nước.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Lan tỏa tình yêu sách
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc