Multimedia Đọc Báo in

Phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê

14:31, 07/05/2022

Ngày 7/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, UBND xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) tổ chức phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê tại buôn Drai Si (xã Ea Tar).

Tham dự chương trình có bà Phạm Thị Phước An, Phó Vụ trưởng, Vụ địa phương II, Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar cùng đông đảo người dân buôn Drai Si và buôn Mlăng (xã Ea Tar).

Ông Y Thôn Niê (ngồi) được người thân, bà con tặng vòng đồng chúc sức khỏe và may mắn.

Gia đình bà H’Djuăn Niê (buôn Drai Si) và gia đình ông Y Thôn Niê (buôn Mlăng) có tình cảm gắn bó thân thiết với nhau. Hôm nay, dưới sự chứng kiến của già làng, thầy cúng, dòng họ, hai gia đình thực hiện nghi lễ kết nghĩa anh em theo đúng truyền thống của dân tộc Êđê, với 3 lần cúng, cùng các lễ vật gồm: 7 ché rượu cần, 1 con heo, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị…

Sau khi chứng kiến nghi lễ kết nghĩa anh em của hai gia đình, dân làng, khách quý cùng uống rượu cần, ăn thịt heo, cơm nếp và giao lưu để cùng chúc phúc cho những người được kết nghĩa, cầu mong cho họ luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau.

Người dân trong buôn chuẩn bị rượu cần tại lễ kết nghĩa anh em.

Nghi lễ kết nghĩa anh em là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Ê đê, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa các cộng đồng dân tộc, mang ý nghĩa tốt đẹp, nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa, thân thiết, gắn bó nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn, để xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.