Sâu lắng nét vẽ Tây Nguyên
Sinh ra và lớn lên ở buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), tuổi thơ gắn bó với buôn làng nơi vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió, từ đó đã tạo nên nguồn cảm hứng để họa sĩ trẻ người Êđê Y Buih Niê Kđăm sáng tạo nên các tác phẩm đậm chất Tây Nguyên, mộc mạc nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.
Tiếp nối đam mê
Từ nhỏ, với niềm đam mê hội họa, Y Buih thường tự mình vẽ những khung cảnh quen thuộc của buôn làng lên đất, lên giấy. Học hết cấp 3, anh quyết định theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk dù trong gia đình chưa từng có ai theo con đường này. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật, Y Buih tiếp tục say mê vẽ, dồn tâm sức cho ra đời những tác phẩm tâm huyết để tiếp nối đam mê của mình.
Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong ký ức của chàng trai sinh năm 1997, Tây Nguyên thật đẹp và hùng vĩ, là những cánh rừng bạt ngàn, bến nước trong vắt, những nếp nhà dài, đêm cồng chiêng rộn ràng... Họa sĩ Y Buih chia sẻ: “Là người bản địa, yêu quý văn hóa, vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, bởi thế tôi chọn đề tài về Tây Nguyên để thể hiện trong các tác phẩm”.
Với màu sắc chủ đạo là những gam màu nóng như: đỏ, cam, vàng… tranh của Y Buih hiện lên đầy ấn tượng và sinh động. Từ những vật dụng thân thuộc: chiếc gùi, quả bầu đựng nước, cồng chiêng, chóe rượu cần… hay những khung cảnh nơi buôn làng: góc bếp, nhà dài, hoàng hôn, mùa mưa Tây Nguyên, rừng khộp… qua nét vẽ của Y Buih tạo nên những bức tranh sống động, mang chất riêng của vùng đất, con người Tây Nguyên. Sau gần 5 năm, họa sĩ Y Buih đã vẽ khoảng hơn 100 bức tranh, kể về câu chuyện của buôn làng, từ đời sống, sinh hoạt, cảnh thiên nhiên cho đến văn hóa của người bản địa. Các bức tranh: “Nhịp chiêng Tây Nguyên”, “Chiều về buôn”, “Lên rẫy”, “Ngủ ngoan Akay ơi”, “Góc bếp”, “Mưa đầu mùa”… có cách thể hiện tự nhiên, hồn hậu, qua đó truyền tải thông điệp về văn hóa cũng như vẻ đẹp của Tây Nguyên.
Thổn thức
Họa sĩ Y Buih luôn xông xáo đi thực tế, tìm đến những buôn làng ở Đắk Lắk còn đậm nét truyền thống như ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk… hay các tỉnh Tây Nguyên, quan sát, cảm nhận rồi chắt lọc những gì hay nhất, cảm xúc nhất để hoàn thành tác phẩm. “Đi nhiều, chứng kiến cảnh vật, buôn làng dần thay đổi theo thời gian, không còn nét nguyên sơ như trước, văn hóa cũng mai một dần. Bởi thế, mình mong muốn lưu giữ những hình ảnh truyền thống đẹp nhất của buôn làng Tây Nguyên, về văn hóa bản địa, về vùng đất đỏ bazan đầy nắng và gió”, họa sĩ Y Buih chia sẻ.
Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm hiện có một phòng tranh nhỏ ở đường Trần Nhật Duật (TP. Buôn Ma Thuột), đó là nơi để anh tự do thể hiện cảm xúc của mình qua những bức vẽ mang đậm hơi thở đại ngàn. |
Năm 2019, Y Buih dành 3 tháng trời để hoàn thiện bức “Ngủ ngoan Akay ơi”, vẽ về một người mẹ đang dỗ con ngủ dưới mái nhà dài. Anh kể, từ xa xưa, ở Tây Nguyên, người phụ nữ thường lập gia đình sớm, họ hy sinh tuổi xuân trong khi bao ước mơ còn dang dở, lúc ấy tình cảm người mẹ dành hết cho đứa con thơ của mình. Qua đó thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, không gì có thể sánh bằng. Hiện bức tranh này đã được nhà sưu tập Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột) mua và trưng bày ở “Ngôi nhà chóe đại ngàn”.
Họa sĩ Y Buih Niê Kđăm tham gia vẽ tại con đường bích họa buôn Tơng Jú (xã Ea kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Mới đây, Y Buih vẽ bức “Nhịp chiêng Tây Nguyên”, lấy cảm hứng vào một lần đi Kon Tum, khi ấy đang mùa lễ hội. Anh chứng kiến mọi người trong trang phục dân tộc truyền thống, cùng nhảy múa xung quanh ché rượu cần với nhịp cồng chiêng rộn rã. Y Buih rất xúc động khi được đắm mình vào không gian văn hóa đậm bản sắc, trong một khung cảnh thật đẹp mà theo anh giờ còn rất ít những lễ hội như thế.
Bên cạnh những mảng đề tài về văn hóa, đời sống sinh hoạt, Y Buih cũng dành nhiều tâm huyết để thể hiện tranh về đề tài môi trường. Trong đó, tác phẩm anh tâm đắc nhất là bức “Con chim cô đơn” được vẽ năm 2018. Trong tranh là một chú chim nhỏ không còn chỗ dừng chân phải đậu trên dây thép gai, xung quanh một vùng đất rộng lớn chỉ còn những mảng cỏ dại. Trước mắt, bầu trời đen kịt, gió thổi làm những cây cỏ ngã rạp, báo hiệu một cơn bão sắp đi ngang qua. Hay bức “Hoang tàn”, vẽ hai mẹ con voi trước cảnh rừng sắp bị chặt phá hết, những gốc cây trơ trọi dưới chân. Voi mẹ có ánh mắt u sầu, voi con nép vào người mẹ, bơ vơ giữa một vùng đất rộng lớn. Sau khi hoàn thành vào năm 2019, bức “Hoang tàn” đã được một nhà sưu tập tranh người Việt sinh sống tại châu Âu đặt mua.
Không chỉ say mê sáng tạo các tác phẩm, mới đây, vào cuối năm 2021, Y Buih cùng các cộng sự đã tham gia vẽ tranh tại con đường bích họa ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là tiểu dự án nằm trong đề tài khoa học “Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk”, do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên thực hiện.
Anh trải lòng: “Tôi rất tự hào khi được cùng các cộng sự vẽ nên những bức bích họa rực rỡ sắc màu, mang trong mình câu chuyện về núi rừng Tây Nguyên, về những địa danh gắn liền với lịch sử, địa lý; nét đẹp văn hóa, truyền thống các tập tục sinh hoạt của đồng bào bản địa... tại buôn Tơng Jú. Càng tự hào hơn khi bản thân có thể góp công sức nhỏ để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng buôn làng giàu đẹp”.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc