Multimedia Đọc Báo in

Ảnh dự Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2021: Vì sao vẫn “hẻo”?

06:05, 19/06/2022

nh dự Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2021 chỉ có 4 tác phẩm (tăng 1 tác phẩm so với năm 2020); so với các loại hình báo chí khác, có thể nói... rất “hẻo”, cả số lượng và chất lượng.

Bốn tác phẩm dự giải báo chí năm nay gồm có 2 ảnh đơn và 2 chùm/phóng sự ảnh. Một ảnh đơn có chú thích “Già làng Tây Nguyên” chụp một ông già người dân tộc Êđê đang thổi tù và.

Bức ảnh có nội dung tốt, kỹ thuật chụp (độ nét, tông màu, tông ánh sáng khá chuẩn); nghệ thuật thể hiện tương đối tốt (thời cơ bấm máy, góc độ chụp và bố cục tốt). Nền ảnh (background) là cánh rừng lưa thưa, mùa rụng lá và trời xanh, mây trắng đẹp, bình yên. Hình tượng nhân vật khỏe mạnh, tóc, râu trắng dài nổi bật đang dồn tâm trí, cảm xúc thổi tù và.

Nhìn tổng thể bức ảnh khá đẹp.Thế nhưng chú thích rất chung chung, thiếu các thông tin cần thiết của một tác phẩm ảnh báo chí. Giá như bức ảnh đó cung cấp đầy đủ các thông tin cụ thể, chẳng hạn như: Nghệ nhân đó ở đâu? Ông là người có ý thức cao trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đã được nhiều cấp, nhiều ngành khen thưởng... thì bức ảnh mới đạt các tiêu chí của một tác phẩm báo chí.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Với những tác phẩm chụp ảnh chân dung nhân vật, để đảm bảo đầy đủ tính báo chí rất cần chọn được nhân vật có địa chỉ rõ ràng, có những thành tích nổi bật, chớp được khoảnh khắc điển hình trong hoạt động của nhân vật mà không phải dàn dựng... (không phải thấy người có hình thức đẹp, cảnh vật, thời tiết đẹp, bấm máy đúng khoảnh khắc, bố cục đẹp là trở thành ảnh báo chí).

Bức ảnh đơn thứ hai được chú thích “Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác bầu cử”. Đây là bức ảnh có nội dung tốt, phản ánh được sự kiện chính trị - xã hội nổi bật trong năm 2021. Các thông tin từ chú thích và từ bức ảnh đã cho người xem biết rõ: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác bầu cử ở đâu, thời gian nào; đồng chí Bí thư đang trao đổi/lắng nghe ý kiến của một cán bộ cơ sở/cử tri. Ảnh chụp nét, tông màu, tông ánh sáng vừa đủ, chỉ tiếc bố cục chưa tốt, hình ảnh đồng chí Bí thư không nổi bật...

Các tác phẩm ảnh tham dự Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk năm 2021.

Chùm ảnh “Người dân Đắk Lắk chi viện rau xanh cho vùng tâm dịch phía Nam” có nội dung tốt, phản ánh được vấn đề “nóng” trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam (tháng 7/2021), người dân vùng tâm dịch thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng.

Phát huy truyền thống thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn của người dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với một số cá nhân, tổ chức đi vận động quyên góp rau, củ, quả ủng hộ đồng bào vùng tâm dịch.

Chùm ảnh được chụp với kỹ thuật tốt (nét, tông màu, tông ánh sáng chuẩn). Rất tiếc là chùm ảnh có 5/8 ảnh trùng lặp nội dung (cùng ngồi thu hái rau), thiếu ảnh người dân vùng tâm dịch tiếp nhận rau xanh.

Theo chúng tôi, bức ảnh chụp cảnh người dân vùng dịch được nhận rau xanh chi viện rất cần thiết trong chùm ảnh này; thiếu nó, “câu chuyện” chi viện rau cho vùng tâm dịch chưa được kể trọn vẹn bằng ảnh.

Một điều rất đáng quan tâm đối với chùm ảnh/phóng sự ảnh báo chí là: Ngoài việc phải kể được một “câu chuyện” với người đọc, trong mỗi chùm ảnh cần có ít nhất một bức ảnh “đinh” chụp với góc độ, bố cục lạ, độc đáo, so với những bức ảnh khác trong chùm ảnh, để “bắt mắt” người xem (giống như điểm nhấn trong câu chuyện); qua đó, tạo được sự chú ý của người xem, đồng thời làm nổi bật nội dung truyền tải. Đáng tiếc trong chùm ảnh nói trên chưa có bức ảnh nào như thế.

Chùm ảnh “Đường về nhà” cũng phản ánh được vấn đề nóng: Trong giai đoạn cao điểm dịch bùng phát dữ dội ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, hàng nghìn người lao động đã rời bỏ nơi làm việc, nơi ở trọ, trở về nhà ở Đắk Lắk và một số tỉnh Tây Nguyên khác; công tác hỗ trợ dân trở về nhà an toàn trong điều kiện di chuyển bằng xe máy, thời tiết mưa gió khắc nghiệt...

Chùm ảnh đã kể được câu chuyện dù chưa thật “mạch lạc”, nhưng đã cho người xem hiểu điều tác giả muốn nói. Nhược điểm của chùm ảnh là: Sắp xếp thứ tự ảnh chưa lô-gíc, kỹ thuật chụp chưa tốt (có ảnh thiếu sáng, không nét). Chùm ảnh cũng không có ảnh “đinh” để tạo ấn tượng với người xem.

Như chúng ta đã biết, ảnh báo chí có giá trị thông tin riêng của nó. Nick Út, phóng viên người Mỹ gốc Việt từng nói đại ý: Một bức ảnh nhiều khi có giá trị hơn cả hàng trăm bài viết. Nhưng để có được bức ảnh như thế đòi hỏi phóng viên phải biết quan sát để chọn được nhân vật, sự kiện, vấn đề nổi bật; chọn được thời cơ, khoảnh khắc bấm máy phù hợp, nhờ đó mới có được bức ảnh dồn nén được nhiều thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, phóng viên cũng phải nắm rõ tính năng của chiếc máy ảnh đang sử dụng nhằm phục vụ cho mục đích, ý tưởng sáng tạo của mình để có những bức ảnh vừa có tính báo chí, vừa có tính nghệ thuật cao.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.