Hiểu về những ký hiệu nghệ thuật trong các tác phẩm viết về Tây Nguyên
Tìm hiểu và làm rõ những ký hiệu nghệ thuật đã được các nghệ nhân dân gian Tây Nguyên cũng như những nhà văn hóa đương đại phác họa trong một số tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội hiện nay là để giúp công chúng có thêm cảm nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về con người và vùng đất kỳ vĩ này.
Về những ký hiệu nghệ thuật được thể hiện qua thế giới tự nhiên (cây cỏ, chim muông): Cây kơ nia, tên dân gian còn gọi là cây cầy, thân gỗ cứng và có sức sống bền vững. Người dân tộc tại chỗ khi phát rừng làm rẫy không bao giờ đốn hạ loại cây này, mà thường giữ lại để nương náu nắng mưa. Từ đặc điểm ấy, nhà thơ Ngọc Anh đã xây dựng nên hình tượng nghệ thuật cao đẹp, phản ánh sinh động và chân thực của con người Tây Nguyên qua bài thơ “Bóng cây kơ nia”, sau đó được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, được công chúng yêu thích và phổ biến.
Một cây kơ nia cổ thụ bên hồ Lắk. Ảnh: H.V.M |
Cây xà nu trong bút ký “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) là do nhà văn đặt tên. Thật ra đó chính là cây thông, mọc và sinh trưởng nhiều ở một số vùng đất có độ cao trên 500 m ở Tây Nguyên như dãy núi Cư Yang Sin (Đắk Lắk); Bidoup, Núi voi, Tuyền Lâm (Lâm Đồng) và đặc biệt có nhiều ở vùng Đắk Glei (Kon Tum). Người dân tộc Giẻ Triêng ở đây gọi cây này là loong nuh và nhà văn Nguyễn Trung Thành đặt tên xà nu, có thể dựa trên cơ sở phát âm của cư dân tại chỗ. Vì thế nên hiểu và giảng giải cho học sinh cũng như mọi người hiểu chính xác: Cây xà nu tức cây thông, chứ không nên chú thích mơ hồ như trong sách Ngữ văn lớp 12 (Nhà xuất bản Giáo dục) rằng: Xà nu, một loại cây họ thông, nhựa và gỗ đều có giá trị, mọc rất nhiều ở Kon Tum.
Cây (hoa) pơ lang cũng được nhắc đến trong nhiều tác phẩm âm nhạc và văn học. Nhạc sĩ Đức Minh đã lấy hình tượng loài hoa này để sáng tạo nên bức tranh Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng qua nhạc phẩm “Em là hoa pơ lang” - cô gái Êđê xinh đẹp, dịu dàng mà can trường và bền bỉ. Được biết, trước đây trong các buôn làng người Êđê có rất nhiều loại cây này, bởi nó được trồng vào những dịp diễn ra lễ hội của cộng đồng. Trai gái cưới nhau cũng trồng trong vườn nhà mình cây pơ lang vì họ có quan niệm rằng sắc đỏ thắm của hoa sẽ mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc.
Chim kơ tia, người miền xuôi thường gọi là chim vẹt, hoặc chim két. Ở Tây Nguyên, loài chim này thường xuất hiện thành từng đàn vào lúc bắp (ngô) trên nương rẫy đã chín (khoảng tháng 9 - 10 cuối thu). Vào thời gian này, bầu trời trong xanh và thoáng đãng, từng đàn kơ tia bay về trông như những đám mây ngũ sắc rực rỡ, sinh động. Nhạc sĩ Tô Hải đã rất thành công khi mô tả loài chim này trong ca khúc “Sông Đắk rông mùa xuân về”, song mùa xuân không phải là mùa kơ tia, tác giả mượn hình ảnh của loài chim này để chuyển tải cảm xúc tươi mới, tràn đầy nhựa sống của con người và cảnh sắc đẹp đẽ ở vùng cao Trường Sơn - Tây Nguyên khi mùa xuân về.
Trong trường ca “Bài ca chim chrao” của Thu Bồn chính là chim bồ chao ở dưới xuôi thường gọi, còn người Bana ở Tây Nguyên gọi là chim chrao - “loài chim báo tin” trong quan niệm dân gian của tộc người này. Nhạc sĩ Đàm Thanh cũng lấy đối trượng chim chrao để sáng tác bài hát “Cánh chim báo tin vui”, chứ không phải là chim bồ câu như nhiều người vẫn nghĩ.
Đặc biệt là chim phí, người Êđê gọi là chim Bhi (người Kinh gọi là chim chào mào), có thân màu xanh, ở ngực có đốm vàng, mào màu đen. Người Tây Nguyên nói chung rất thích loài chim này, vì nó đẹp và hót hay. Nhạc sĩ Y Phôn Ksor cũng thừa nhận điều đó và cho rằng mình đặt tên cho ca khúc “Chim phí bay về cội nguồn” là phiên trệch phát âm từ “Bhi” thành “phí” cho dễ hát. Theo Y Phôn, người Êđê đặt tên cho loài chim xinh đẹp, đáng yêu này từ sử thi Đam San - nàng H’Bhi, vợ của chàng dũng sĩ Đam San hội đủ tính cách, nhân phẩm đẹp đẽ của người con gái Tây Nguyên. Gần đây, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo cũng lấy cảm hứng ấy để ây dựng bộ phim cùng tên với ca khúc trên nhằm ngợi ca người con gái Tây Nguyên nói chung gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của các tộc người thiểu số trên vùng đất này.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc