Multimedia Đọc Báo in

Ông “Thành cổ sinh”

06:44, 03/07/2022

Sau buổi trò chuyện với người đang sở hữu hàng nghìn hiện vật, tư liệu và hình ảnh về hóa thạch có niên đại từ kỷ Jura, tôi xin phép được gọi chủ nhân của bảo tàng tư nhân ấy là ông “Thành cổ sinh” vì sự đam mê, vốn kiến thức sâu rộng của ông về lĩnh vực này.

Ẩn mình trong không gian thoáng đãng, “Bảo tàng đá” (599 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột) luôn có sức hấp dẫn với nhiều người nhờ bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh khá đồ sộ được trưng bày, giới thiệu ở đây.

Chủ nhân của bào tàng trên là ông Hoàng Thành, người dành cả cuộc đời tìm kiếm, nhặt nhạnh những mẫu hóa thạch vô cùng có giá trị để giúp người thưởng lãm hiểu thêm về những trầm tích văn hóa - lịch sử trong lòng đất Tây Nguyên cách nay hàng trăm triệu năm.

Ông tâm sự: “Trước đây, mình mở quán cà phê có tên Chuông Đá là để mưu sinh, đồng thời để phục vụ du khách vào thăm thú, chiêm ngưỡng “bảo tàng đá” khi có nhu cầu. Còn trong sâu thẳm mà nói là nhằm biến địa chỉ này trở thành trường học về thiên nhiên cho những ai say mê, quan tâm đến lĩnh vực hóa thạch cổ sinh trên vùng đất Tây Nguyên mà bản thân đã từng lăn lộn và gắn bó gần 60 năm qua…”.

Ông Hoàng Thành bên cây thông hóa thạch.

Bây giờ ông Thành không còn bán cà phê nữa, mà chuyên tâm vào việc học hỏi, nghiên cứu và sưu tập đầy đủ hơn bộ hóa thạch cổ sinh của mình. Bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh của ông gồm hàng nghìn hiện vật có niên đại từ kỷ Jura - thời kỳ mà loài khủng long còn sống trên trái đất cách nay hơn 170 triệu năm, được phân thành 5 nhóm: Bộ cúc đá (vỏ sò hóa thạch); Hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu); Hóa thạch chân bụng; Hóa thạch ngành thực vật hạt trần; Hóa thạch thực vật thân gỗ. Cùng với những hiện vật hóa thạch cổ sinh được ông phân loại, sắp xếp một cách cụ thể, sinh động và khoa học ấy, chủ nhân của bảo tàng này còn tìm kiếm, tập hợp rất nhiều tư liệu khoa học từ các chuyên gia cổ sinh trong nước và quốc tế để minh họa cho “5 kỳ đại tuyệt chủng” đã từng xảy ra trên trái đất suốt 4 tỷ năm lịch sử.

Ông Thành chia sẻ rằng GS. Tạ Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh, địa tầng Việt Nam đã đến đây và tỏ ra hài lòng với cách thức phân kỳ, mô tả của ông về “5 kỳ đại tuyệt chủng” xảy ra trên hành tinh này. Kỳ tuyệt chủng thứ nhất xảy ra cách đây 440 – 450 triệu năm được gọi là kỳ ORDVIC - SLUK; kỳ thứ hai là DEVON, khoảng 360 triệu năm trước; tiếp theo là kỳ tuyệt chủng PERMI - TRIAS, được xem là kỳ tuyệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử vì đã tuyệt diệt phần lớn sinh vật trên trái đất, thiết lập lại gần như toàn bộ hệ thống sinh giới mới; kỳ bốn và kỳ năm xảy ra lần lượt là TRIAS - JURA cho đến CRETA - PALEOGEN cách đây gần 200 triệu năm và gần hơn là 66 triệu năm, đánh dấu sự kết thúc của Đại Trung Sinh để bắt đầu Đại Tân Sinh bằng kỷ Paleogen.

Qua trò chuyện với ông, tôi nhận ra trong con người làm nghề xây dựng cầu đường kia ẩn chứa cả “kho” kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực cổ sinh vốn thâm trầm và phong phú. Ông Thành chia sẻ: “Nhờ làm chủ vốn tiếng Anh kha khá, nên mình tiếp cận và thu nhận được không ít kiến thức về cổ sinh từ một số công trình khoa học của nhiều chuyên gia quốc tế hiện đang giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Nhất là kiến thức cổ sinh về kỳ TRIAS - JURA mà mình đang sở hữu nhiều hiện vật có giá trị để chứng thực cho du khách đến bảo tàng tham quan và trải nghiệm”. Nói đoạn, ông Thành dẫn tôi đi xem cây thông hóa thạch cách đây hàng trăm triệu năm trên vùng đất Tây Nguyên - đây cũng là hiện vật có giá trị nhất trong bộ sưu tập hóa thạch cổ sinh của ông về kỳ TRIAS - JURA. Hiện vật này được GS. Tạ Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Cổ sinh, địa tầng Việt Nam cũng như giới nghiên cứu cổ sinh trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những bằng cứ rất có giá trị để giúp chúng ta hiểu biết thêm về sự tạo lập sinh giới mới trên vỏ trái đất thời Đại Tân Sinh bằng kỷ Paleogen từ hơn 66 triệu năm trước, trong đó Tây Nguyên là một phần không thể tách rời.

Hiện vật hóa thạch cổ sinh được ông Hoàng Thành bảo quản cẩn thận.

Ông Thành tỏ ra tâm tư: Đáng ra và sẽ có ý nghĩa hơn khi cây thông hóa thạch này cùng những hiện vật cổ sinh ở đây phải được đặt trong Bảo tàng Đắk Lắk để cho mọi người, nhất là lớp trẻ (học sinh, sinh viên) nghiên cứu, tham quan. Ông mong có sự trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng để chuyển giao Bảo tàng hóa thạch cổ sinh của mình đến nơi mà nó cần phải đến…

Trong câu chuyện hôm ấy với ông, tôi không khỏi ngậm ngùi về sự ra đi của rất nhiều hiện vật có giá trị từ đây về Bảo tàng Thiên nhiên quốc gia (Hà Nội), Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh và gần đây - theo như ông Thành cho hay: Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã mở lời sẽ dành không gian xứng đáng tại Khu du lịch Ngũ Hành Sơn để trưng bày, giới thiệu Bảo tàng hóa thạch cổ sinh của ông. Tuy nhiên, ông vẫn chờ và hy vọng cùng với những ai quan tâm đến số hiện vật hóa thạch cổ sinh quý giá này mở ra trường học về thiên nhiên nói chung, lịch sử - văn hóa Tây Nguyên nói riêng nhằm phục vụ con em ở Đắk Lắk - mảnh đất mà ông đã từng gắn bó thân thiết và xem đó là quê hương thứ hai của mình, sau Huế là nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.