Thăm đền Pác Tạ bên hồ Na Hang
Ngôi đền Pác Tạ (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) nằm uy nghi cổ kính, ẩn mình trong bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng, soi bóng xuống mênh mông sông nước Na Hang, từ lâu nổi tiếng linh thiêng và là điểm đến tâm linh của du khách mọi miền.
Cách thị trấn Na Hang chừng 2 km, ngồi thuyền từ bến Thủy, đi chừng 1 km đường hồ, du khách sẽ đến được đền Pác Tạ. Ngồi trên thuyền từ xa đã thấy cổng đền, mái đền cổ kính thấp thoáng. Từ bến hồ, du khách đi theo những bậc đá dẫn lên ngôi đền.
Tọa lạc dưới chân núi Tạ Sơn cao vời vợi với những vạt rừng nguyên sinh xanh thẳm, đền Pác Tạ được dựng lên từ sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1258) để thờ vị hôn thê của tướng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ban đầu, ngôi đền dựng bằng tre nứa, trải qua thời gian, đến năm 2008, đền Pác Tạ được xây dựng khang trang như ngày nay. Kiến trúc của đền Pác Tạ khá độc đáo theo kiểu hình chữ Nhất, ba gian hai chái. Trên nóc lợp bằng ngói vẩy, có rồng chầu mặt nguyệt. Các cột đền được vẽ rồng uốn lượn, ở giữa có đôi rồng chầu hướng ra phía hồ Na Hang.
Đền Pác Tạ dưới chân núi Tạ Sơn. |
Theo tư liệu lịch sử và lời kể của các bậc cao niên ở Na Hang thì trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, tướng Trần Nhật Duật được triều đình giao trấn thủ xứ Tuyên Quang. Tại đây, ngài đem lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp, hiền thục, chăm chỉ và có học thức - vốn là con gái của một tù trưởng vùng này. Sau khi chiến thắng khải hoàn, triều đình tổ chức cho Trần Nhật Duật cưới cô gái. Trên đường đón dâu, không may gặp sóng to gió lớn, bị lật thuyền, người vợ và nhiều người trong đoàn bị chìm và tử nạn. Sau đó, người dân quanh vùng ra sức tìm thi thể của bà. Vài ngày sau, một người trong dòng họ Ma (dân tộc Tày) đã tìm vớt được thi thể của bà và chôn cất tại địa phương. Vô cùng thương tiếc người vợ trẻ của tướng Trần Nhật Duật, người dân quanh vùng đã lập đền thờ bà, lấy tên là đền Pác Tạ, suy tôn bà là “Đức Thánh Mẫu”. Từ khi dựng đền đến nay, dòng họ Ma ở Na Hang đã phụ trách việc hương nhang, thờ phụng ngôi đền. Đến năm 2009, đền Pác Tạ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đền Pác Tạ tọa lạc ở một địa thế vô cùng đắc địa về phong thủy. Lưng đền tựa núi Tạ Sơn sừng sững, hướng nhìn ra nơi hợp lưu của sông Gâm và sông Năng. Cư dân bản địa gọi nơi đây là Pác Tạ nghĩa là “cửa sông, cửa ngòi”. Phía sau đền có núi tạo thế vững chãi, phía trước có mênh mang sóng nước tạo nên không gian khoáng đạt nhìn thấu ra trập trùng núi non phía xa xa. Đó là một địa thế sơn thủy hữu tình, nơi quần tụ nước, núi, cây rừng.
Phía trong ngôi đền được thiết kế những ban, cung thờ đậm chất tâm linh. Phía chính giữa là ban công đồng thờ Đức Vua Cha, Tam tòa Thánh Mẫu, Trần triều. Gian cung cấm thờ tượng Đức Thánh Mẫu. Bức tượng Đức Thánh Mẫu ngời lên vẻ mặt phúc hậu, hiền thục của người con gái xứ Tuyên. Phía tả thờ cung sơn trang, tứ phủ quan Hoàng.
Đền Pác Tạ nổi tiếng linh thiêng, những nghi lễ và những nét sinh hoạt tâm linh tại ngôi đền mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc Tày vùng Na Hang. Vào buổi chiều, những áng mây bồng bềnh sà xuống ngọn Tạ Sơn, vương vít quanh mái đền càng làm cho không gian thêm huyền ảo, kỳ bí. Con người khi đến đây như hòa mình vào chốn tâm linh để quên đi bao ưu phiền mệt mỏi, hòa mình vào câu chuyện huyền sử thuở xưa, hòa mình vào cây lá bạt ngàn và sông nước mênh mang...
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc