Multimedia Đọc Báo in

Tươi tắn sắc màu văn thơ Núi Hoa

11:03, 09/07/2022

Được tổ chức định kỳ hằng năm, Trại sáng tác Thơ - Văn Núi Hoa huyện Cư M'gar do Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cư M’gar phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích, ươm mầm những tài năng văn học trẻ.

Trại sáng tác lần thứ 26 vừa diễn ra dường như rộn ràng hơn sau một năm tạm dừng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trại thu hút 31 học sinh trong độ tuổi 11 - 17, trong đó có 6 học sinh dân tộc thiểu số.

Tham gia trại sáng tác, các em không chỉ được học hỏi, trao đổi lý thuyết mà còn đi thực tế tại các di tích lịch sử như Dinh Bảo Đại, làng gốm M’nông (huyện Lắk), núi đá Voi…; được học tập, tham quan tại nhà dài của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê, một cô gái giàu nghị lực…

Sau chuyến đi, từ những điều mắt thấy tai nghe, những gì cảm nhận được đã tạo cảm hứng để các em sáng tác những tác phẩm mới. Trại viên Đặng Quốc An (lớp 9) bày tỏ, đây là lần đầu tiên em tham gia Trại sáng tác , thành quả thu được là đã sáng tác được một vài tác phẩm; trong đó đang hoàn thiện một tác phẩm tiểu thuyết.

Các trại viên tham quan, tìm hiểu tại làng gốm M'nông (huyện Lắk). Ảnh: B.Thiêm

Ngoài việc được chỉ dạy bởi các thầy cô, nhà văn, nhà thơ, các trại viên cũng được tạo điều kiện để trao đổi, góp ý cho các tác phẩm mới viết. Như em H’Bia Kbuor tâm sự: “Đến đây, em được gặp nhiều bạn mới, những người cùng niềm đam mê với mình. Qua các buổi học, buổi đi thực tế, em thấy mình học hỏi được nhiều điều từ các bạn”. Không riêng gì Quốc An hay H’Bia Kbuor, hầu hết các trại viên tham gia trại sáng tác đều coi đây là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu cùng những người bạn có tâm hồn văn chương trên địa bàn huyện; được học hỏi kỹ năng, phương pháp sáng tác… ngoài kiến thức đã học trên ghế nhà trường.

Kết thúc trại, Ban tổ chức đã nhận được gần 80 tác phẩm, trong đó có 35 tác phẩm thơ và trên 40 tác phẩm văn xuôi, đây là thành công bước đầu về mặt số lượng. Nhiều trại viên có từ 2 - 3 tác phẩm. Những chủ đề được các em đề cập khá rộng, từ những vấn đề thời sự, tình cảm gia đình, tuổi mới lớn cho đến cảnh đẹp quê hương Cư M’gar…

Các trại viên tham gia trại sáng tác.

Theo sát, đồng hành cùng các trại viên suốt một tuần diễn ra trại, nhà thơ, thầy giáo Lê Thành Văn nắm bắt sâu sắc khả năng của từng trại viên, đã có những nhận xét cụ thể: “Dù còn những điểm hạn chế như cách kể chuyện còn đơn giản, chi tiết còn chưa thật sự đắt giá, có em còn viết câu dài, giải quyết tình huống truyện có phần gò ép nhưng nhìn chung các em đã có sự quan sát, lập ý và xây dựng câu chuyện, nhân vật cho tác phẩm của mình. Và trên hết các tác phẩm đều thể hiện ý thức nghiêm túc của những công dân trẻ với tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người; đặc biệt dám phấn đấu để đạt được những ước mơ cao đẹp, tiếp nối và khao khát thực hiện những điều mà thế hệ đi trước trao truyền lại”.

Những gương mặt cũng như những tác phẩm được đánh giá cao có thể kể đến tác phẩm “Hoa học trò” của em Trần Bảo Gia Như viết về những kỷ niệm ở ngôi trường cùng thầy cô bạn bè hay cây phượng nở hoa trong sân trường; tác phẩm "Núi Voi Yang Tao" viết về cảnh đẹp hồ Lắk, núi đá Voi hùng vĩ và đẹp đẽ với cảm nhận yêu thương của em H’Bia Kbuor; câu chuyện thế hệ trẻ tiếp nối ước mơ làm chiến sĩ công an nhân dân của người mẹ được thể hiện bằng lối viết khá chững chạc qua “Ước mơ của mẹ cũng là ước mơ của con” của H’Hạnh Niê… Về thơ có nhiều gương mặt tiêu biểu, những cây bút dồi dào năng lượng như Nguyễn Thị Hải Yến, Nguyễn Đức Pho, H’Lan Niê…

Có thể nói rằng, trại sáng tác đã diễn ra thành công. Trong hơn 30 trại viên có em đã từng tham gia trại những năm trước, có em là lần đầu, với những phong cách sáng tác khác nhau đã mang đến những sắc hương mới trong vườn hoa văn chương. Những kiến thức, cảm nhận lĩnh hội qua trại sáng tác sẽ là chất xúc tác cho các em nuôi dưỡng đam mê, sáng tác, làm đẹp cho đời bằng những áng văn hay, bằng những vần thơ đậm sắc màu và giàu cảm xúc.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.