Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn từ Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ 17

08:09, 26/08/2022

Được tổ chức thường niên, Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh đã trở thành sân chơi bổ ích, nơi các tuyên truyền viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, phát triển chuyên môn liên quan đến hoạt động tuyên truyền.

Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 năm 2022 có hơn 300 cán bộ, tuyên truyền viên, diễn viên của 14 đội tuyên truyền lưu động đến từ 14 huyện, thành phố trong toàn tỉnh tham gia.

Qua hai phần dự thi: xe tuyên truyền lưu động và chương trình tuyên truyền tổng hợp (được xây dựng xuyên suốt, kết hợp hài hòa giữa ba phương thức tuyên truyền miệng, cổ động trực quan và văn nghệ cổ động), các đội đã mang đến cho liên hoan và khán giả những chương trình tuyên truyền chất lượng như: “Có Đảng dẫn đường – Nông thôn mới tươi đẹp” của huyện Buôn Đôn, “Xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh” của huyện Ea Kar; “Tây Nguyên nhớ ơn Đảng – Bác Hồ đời đời” của huyện Krông Pắc; “Khát vọng Ban Mê” của TP. Buôn Ma Thuột…

Phần thi chương trình tuyên truyền tổng hợp của đội tuyên truyền lưu động huyện Cư Kuin.

Ngoài các nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu, quê hương đất nước, những thành tựu trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phản ánh gương người tốt - việc tốt, nhiều tiết mục, nội dung trong các chương trình đã thể hiện được những vấn đề thời sự nóng hổi của địa phương, những sự kiện lớn của cả nước như: huyện Ea Kar, tuyên truyền sâu rộng về kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, về chính Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh lần thứ 17; huyện Krông Pắc đẩy mạnh tuyên truyền về Lễ hội Sầu riêng lần thứ I; huyện Ea Súp tuyên truyền vận động người dân lấn chiếm, trả lại đất, rừng, bảo vệ rừng… Hầu hết các chương trình tham gia liên hoan đều sử dụng ba phương thức kết hợp, phát huy thế mạnh của từng phương thức, trong đó chú trọng khai thác hiệu quả các hình thức nghệ thuật ca múa nhạc, lồng ghép với nghệ thuật tuyên truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn sân khấu, nghệ thuật cổ động trực quan để tạo tính hấp dẫn, phong phú, hài hòa, dễ đi vào lòng người.

 

“Từ liên hoan, những gương mặt mới, những tuyên truyền viên xuất sắc được phát hiện sẽ trở thành những cộng tác viên tích cực của ngành văn hóa, truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân hiệu quả hơn” - ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan.

NSƯT Vũ Lân, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan đánh giá, tuyên truyền tổng hợp là vận dụng giá trị yếu tố của văn hóa, văn nghệ để làm tuyên truyền. Và trong liên hoan lần này, rất nhiều đơn vị đã thực hiện tốt yếu tố này. Cụ thể, nhiều chương trình, tiết mục có tính nghệ thuật cao được xử lý phù hợp, logic, chuyển tải nội dung cần thông tin tuyên truyền đến công chúng một cách nhanh chóng, tác động đến tình cảm thẩm mỹ, tinh thần của người xem, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền lưu động.

Tuy nhiên, tại liên hoan, một số đơn vị xây dựng chương trình chưa hiệu quả, truyền tải cùng lúc nhiều chủ đề hoặc chưa tập trung vào trọng tâm, nên đôi khi có những kịch bản chưa phù hợp, sử dụng quá nhiều số liệu trong biểu đạt… Đồng thời, phần thi của các đội tại liên hoan cũng chính là phần tuyên truyền được chuẩn bị để phục vụ cơ sở nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chính vì vậy, Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 được xem như một đợt tập huấn giúp các đội học hỏi, trau dồi, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, biết vận dụng lồng ghép các phương thức nghệ thuật tuyên truyền một cách hiệu quả… Bà Lê Thị Thu Hiền (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Krông Pắc) cho hay: “Khi tham gia liên hoan, các diễn viên, tuyên truyền viên của đội đã xây dựng chương trình, nỗ lực tập luyện để mang đến cho khán giả những thông điệp ý nghĩa. Đặc biệt, đội tập trung vào tuyên truyền về Lễ hội Sầu riêng được tổ chức vào đầu tháng 9”. Anh Vũ Bá Quỳnh (tuyên truyền viên đội Buôn Đôn) lại hồ hởi chia sẻ: “Liên hoan là dịp để đội ngũ tuyên truyền viên chúng tôi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những phương pháp tuyên truyền hiệu quả. Từ đó góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đưa văn hóa đến với công chúng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Chung niềm vui đó, diễn viên Phan Nguyễn Hoài My (huyện M’Drắk) phấn khởi bày tỏ, sau liên hoan, chị sẽ cùng các diễn viên, tuyên truyền viên… tiếp tục đi tuyên truyền ở các buôn, thôn trên địa bàn huyện.

Xe tuyên truyền của các đội tuyên truyền lưu động tham gia Liên hoan Tuyên truyền lưu động tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 năm 2022.

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải A toàn đoàn cho đội tuyên truyền lưu động huyện Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột; giải B toàn đoàn thuộc về đội tuyên truyền lưu động các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng; giải C  toàn đoàn: đội tuyên truyền lưu động các huyện: M’Drắk; Ea H’leo, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Bông, Cư M’gar, Krông Búk. Ban tổ chức cũng trao các giải phụ cho tuyên truyền viên xuất sắc, tiểu phẩm xuất sắc, xe tuyên truyền, chương trình tuyên truyền tổng hợp tại liên hoan.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.