Tỏa sáng di sản văn hóa phi vật thể
Hai di sản phi vật thể là Ngữ văn dân gian “Lời nói vần của người Êđê” (huyện Cư M’gar) cùng Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ mừng thọ của người M’nông” (huyện Lắk) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó chính là những báu vật văn hóa cần được giữ gìn và phát huy.
Lời nói vần của người Êđê ở huyện Cư M’gar
Người Êđê ở huyện Cư M’gar vốn là một cộng đồng có nền văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú, với những phong tục tập quán đặc sắc. Nổi bật trong số đó là Lời nói vần hay còn gọi là văn vần (klei duê), một thể loại nghệ thuật ngôn từ phổ biến trong đời sống của người Êđê.
Gia đình, người thân, bạn bè cùng uống rượu cần, trò chuyện là một trong những không gian diễn xướng Lời nói vần của ngườ Êđê. |
Trước đây, trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của họ, ở đâu cũng thấy có văn vần, trong dân ca, bài cúng, sử thi, luật tục... Nhất là vào những ngày thu hoạch mùa màng, đứng từ xa thì nghe tiếng chiêng, đến gần thì nghe tiếng hát văn vần. Lời nói vần làm nhiệm vụ “phô diễn tâm tình” của cộng đồng qua lời ca. Nó không chỉ tái hiện được cuộc sống tộc người Êđê một cách chân thực, mộc mạc, mà còn thể hiện được tri thức dân gian về tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên; chứa đựng những giá trị nhân văn về tình yêu của lứa đôi, tình yêu lao động, tình yêu quê hương, buôn làng, đặc biệt là sự dạy bảo con cháu, giáo dục cộng đồng luôn đoàn kết để bảo vệ buôn làng bình an, hạnh phúc và phát triển. Đơn cử như đoạn văn vần: “Chớ nên nuôi ong trên xà ngang nhà/Chớ nên nuôi rắn dưới đáy ché/Chớ nuôi con kẻ thù trong nhà” được dùng để đưa ra lời khuyên răn, giáo dục mang đậm triết lý sâu sắc và nhận thức về cuộc sống xã hội.
Văn vần dân tộc Êđê là những câu có độ dài ngắn khác nhau được diễn đạt theo lối nói vần, có mặt trong hầu hết các hình thức văn hóa dân gian ngôn từ của người Êđê, tồn tại trong quá trình phát triển của tộc người Êđê, truyền từ đời này sang đời khác. Người lớn tuổi, già làng, các nghệ nhân sử dụng văn vần trong các nghi lễ, trong sinh hoạt hằng ngày, lớp trẻ được tiếp thu và truyền lại đến ngày nay. Các nghệ nhân ở các buôn làng cũng chính là lực lượng nòng cốt trong việc sáng tạo và lưu truyền lời nói vần trong đời sống cộng đồng Êđê. Họ không chỉ là ngọn lửa để lưu truyền những klei duê từ đời này qua đời khác, mà còn sáng tạo những lời nói vần ngày càng phong phú, phát triển như sự sống sinh sôi của dân tộc Êđê ở vùng đất Cư M’gar...
Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk
Lễ mừng thọ là phong tục tập quán không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của người M’nông ở huyện Lắk, bởi nó có ý nghĩa làm gắn bó sâu sắc hơn mối đoàn kết giữa gia đình, dòng tộc, buôn làng, cũng là dịp để lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo phong tục truyền thống của người M'nông, khi cha mẹ trên 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng. Buổi lễ mừng thọ thường tổ chức trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy.
Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk. |
Ngay từ sáng sớm, mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người chuẩn bị một công việc, bà con trong buôn làng cũng đến chung vui, phụ giúp với gia đình. Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ, các thủ tục của nghi lễ cúng mừng thọ sẽ bắt đầu. Với lễ vật (3 ché rượu cần, 1 con heo, 3 chén đựng cơm; 3 chén rượu cần, 3 ống lồ ô, 1 hồ lô đựng đầy nước), thầy cúng gọi Yang gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ, cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Sau đó thầy cúng sẽ mời người cha, người mẹ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc còng giống như một tín vật thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.
Tiếp theo các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau mời bố mẹ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc. Ngay sau lễ cúng mừng thọ, gái trai trong buôn làng sẽ đến chúc thọ, cùng nhau múa hát, uống rượu cần. Không như người M’nông ở các nơi khác làm lễ mừng thọ một lần, cư dân M’nông ở Lắk, người con cả sẽ tổ chức lễ trước, sau đó đến những người con kế tiếp.
Đến nay, cùng với Khan (Sử thi Êđê), hiện tại Đắk Lắk đã có 3 di sản phi vật thể quốc gia. |
Đối với cộng đồng M’nông, lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn. Mỗi khi nhà nào tổ chức lễ mừng thọ thì con cháu, bà con trong buôn đều đến cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Đây cũng là cơ hội để anh chị em trong gia đình quây quần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống, cùng xây dựng kế hoạch để chăm sóc bố mẹ tốt hơn.
Gìn giữ những báu vật di sản
Với những giá trị tinh thần quý báu, những di sản trên chính là những báu vật, xuất phát từ buôn làng, cần được bảo vệ, phát huy, để nó luôn hiện hữu trong đời sống, gần gũi với người dân, các chủ thể. Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm cho biết, lời nói vần của dân tộc Êđê nói chung và ở Cư M’gar nói riêng là một loại hình diễn xướng dân gian quan trọng trong hệ thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên và có giá trị nhiều mặt. Vì vậy chúng ta cần phải bảo tồn và phát huy nó trong đời sống xã hội hiện nay và mai sau, có thể qua một số giải pháp như: chuyển nội dung văn vần dân tộc Êđê từ sinh hoạt diễn xướng truyền miệng thành bộ sách, băng đĩa, ghi âm, ghi hình... và phát trên phương tiện thông tin đại chúng cho người đồng bào nghe thường xuyên; biên tập thành các cuốn sách song ngữ Việt - Êđê chuyển vào thư viện trường học dân tộc nội trú, phát cho người dân địa phương…
Còn đối với lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk, tự bản thân nghi lễ này luôn thay đổi, tích hợp các yếu tố mới để hòa nhập phù hợp xã hội hiện đại. Khi tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc hằng năm có thể phục dựng lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk thành một nội dung để tạo nền tảng lưu giữ, phổ biến rộng trong nhân dân; cần quan tâm vai trò người cao tuổi, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong công tác vận động bảo tồn và phát huy lễ mừng thọ theo hướng kết hợp truyền thống, hiện đại để có thể gìn giữ “cái cũ trong điều kiện mới”.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin thêm, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc