“Giữ hồn” văn hóa vùng biên
Sau nhiều năm ly hương đến với huyện vùng biên Ea Súp, bà con người Ba Na, Thái, Tày, Nùng... vẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào mình. Thế hệ trẻ nơi này đã và đang tiếp nối dòng chảy văn hóa đó.
Cồng chiêng - “kho báu sống” của người Ba Na
Bà con người Ba Na khi di cư vào địa phương thành lập nên buôn Ba Na (tại xã Ia Jlơi), mang theo văn hóa truyền thống cồng chiêng của đồng bào mình. Cồng chiêng người Ba Na có một bộ gồm 12 loại từ lớn đến bé, mỗi chiếc chiêng sẽ mang một tiết tấu khác nhau, khi hòa âm lại sẽ mang một bản nhạc núi rừng ngân vang da diết, hùng hồn.
Tùy vào hoàn cảnh, bà con sẽ đánh những bài chiêng khác nhau, như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, đám cưới, đám ma... Chính vì vậy, cồng chiêng Ba Na rất khó học, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải cảm nhận được nhịp điệu và có cách ứng biến linh hoạt mới có thể đánh thuần thục.
Anh Y Níp Xiu (buôn Ba Na, xã Ia Jlơi) gìn giữ cồng chiêng như "kho báu sống" của buôn làng. |
Mặc dù những chiếc chiêng có tuổi đời gấp nhiều lần so với anh Y Níp Xiu (SN 1989), nhưng anh tự hào là thế hệ trẻ vẫn gìn giữ, trân trọng nó như một “kho báu sống” của dân tộc mình. Anh Y Níp bộc bạch, trước đây vào mùa gặt, đám ma hay cưới hỏi... các già làng thường mang cồng chiêng ra đánh. Tiếng chiêng vang lên mang lại niềm vui cho bà con buôn làng mà không có âm nhạc hiện đại nào sánh nổi. Bởi thế, từ lâu tiếng chiêng đã in sâu trong tiềm thức, khiến anh có một tình yêu mãnh liệt với cồng chiêng nên từ nhỏ đã đi theo các già làng để nghe và học đánh.
Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cồng chiêng dần mai một. Vì vậy, anh đã đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng Ba Na nay với mong muốn gắn kết cộng đồng, giao lưu, học hỏi, tạo tinh thần đoàn kết dân cư và để gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Phát huy vai trò là người đứng đầu CLB, anh thường xuyên cùng với các thành viên luyện tập để đi biểu diễn vào những dịp lễ hội của địa phương nhằm lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là truyền cho thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống.
Đam mê với truyền thống văn hóa người Thái
Qua quá trình di cư vào vùng đất mới, bà con người Thái tại thôn 5 (xã Ia Jlơi) vẫn không quên mang theo và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của mình. Hằng năm, dịp lễ, Tết họ thường tổ chức các lễ hội biểu diễn những tiết mục nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình, như: múa chiêng, thổi sáo, nhảy sạp, ném còn...
Những năm gần đây, nhiều người người lớn tuổi về với "ông bà", lo ngại nét văn hóa truyền thống bị mai một vì rất ít bạn trẻ biết đánh trống hay thổi sáo nên CLB Văn hóa truyền thống người Thái được ra đời. CLB hội tụ 16 thành viên, đều có niềm đam mê với nhạc cụ, điệu múa của dân tộc mình. Mặc dù các thành viên CLB chủ yếu là nữ nhưng họ rất say mê học tập để lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Mỗi tuần, CLB sinh hoạt một lần để tập luyện cùng sự giúp đỡ của các già làng truyền đạt, chỉ dạy kinh nghiệm, cách thức sử dụng nhạc cụ.
Điệu múa chiêng của đồng bào Thái tại thôn 5 (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp). |
Là một người trẻ yêu nghệ thuật, nhất là say mê những điệu múa cồng chiêng nên ngay sau khi CLB được thành lập, chị Lương Thị Tượng (SN 1995) đã hăng hái tham gia. Chị Tượng tâm sự, ban đầu học múa chiêng gặp không ít khó khăn vì phải tập trung cao độ để không lạc nhịp, điệu múa lại đòi hỏi động tác dứt khoát, không cần sự dẻo dai. Thế nhưng, càng múa, chị càng thích thú, bị lôi cuốn nên cứ hễ tối đến, khi rảnh rỗi, chị lại cùng các thành viên trong CLB tập múa, gõ chiêng, trống... vừa giải tỏa căng thẳng sau ngày dài làm việc mệt mỏi, vừa lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Chị và bà con trong thôn đã xem nó như là “món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea Súp Nguyễn Chiên Thắng cho biết, địa phương có nhiều dân tộc thiểu số đến sinh sống nên mang rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Để các nét văn hóa này không bị mai một, thời gian tới phòng sẽ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức hoạt động phục hồi các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức lễ hội văn hóa, liên hoan dân ca, dân nhạc, dân vũ phù hợp quy mô, tính chất và khả năng của địa phương nhằm bảo tồn và phát huy, phát triển di sản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc