Sáng tác văn học - hành trình “học ăn, học nói, học gói, học mở”
Chúng tôi ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau, đã được gặp nhau ở một lớp học bởi có chung một niềm đam mê sáng tác và tình yêu dành cho văn học.
Lớp bồi dưỡng viết văn khóa XVI được tổ chức lần này mở rộng đối tượng học viên là người viết tự do, đã tạo cơ hội cho nhiều cây bút "tay ngang" tiếp cận với những kiến thức giá trị để hoàn thiện các kỹ năng trên hành trình đến với sáng tác văn học.
Được tổ chức gói gọn trong 10 ngày tại Thủ đô Hà Nội (từ ngày 3 đến 14/10), Lớp bồi dưỡng viết văn khóa XVI đã thu hút hơn 100 học viên từ khắp mọi miền đất nước như Trà Vinh, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Điện Biên, Sóc Trăng, Nghệ An… Với sự tham gia hướng dẫn, chia sẻ của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nổi tiếng như: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, nhà lý luận – phê bình Bùi Viết Thắng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, GS.TS. Trịnh Quốc Thắng…, chúng tôi đã được tiếp thu những kiến thức bổ ích, kinh nghiệm quý giá về kỹ năng sáng tác các thể loại của văn học.
Học viên lớp bồi dưỡng đi trải nghiệm thực tế. |
Qua lớp học, chúng tôi hiểu để sáng tác một tác phẩm cũng là một quá trình “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. “Học ăn” tức là khả năng khai thác tư liệu sáng tác, vốn sống. “Học nói” là học lời ăn tiếng nói và ngôn ngữ của thời đại mình; ngôn ngữ là công cụ, vừa sáng tạo, vừa phải bảo tồn. “Học gói” chính là nghệ thuật "gói" một tâm trạng trong một bài thơ, "gói" một đời người trong một tiểu thuyết, "gói" một vấn đề nhức nhối của thời đại trong một tác phẩm. “Học mở” chính là khả năng tạo ra sự đa tầng, đa nghĩa cho tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du chia sẻ: “Người bắt đầu đến với sáng tác văn học cũng như người học cưỡi ngựa. Đầu tiên người học phải hiểu đặc trưng của loài ngựa, sau đó tiến tới nắm bắt cá tính của từng con ngựa mà mình tiếp cận. Người sáng tác văn học ban đầu cũng lúng túng, bị cảm xúc dẫn dắt nên tác phẩm không tránh khỏi sự vụng về. Sau khi đã được "trang bị" kỹ thuật, có kinh nghiệm thì dần dần làm chủ được ngòi bút. Quá trình sáng tạo tác phẩm văn học cũng là quá trình người cầm bút luôn phải tự học, học nữa, học mãi bằng tất cả say mê”.
Tập thể lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa XVI chụp ảnh lưu niệm. |
Khi nhìn những mái đầu tóc bạc trắng vẫn say sưa nghe giảng làm chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần "học nữa, học mãi" của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ khắp mọi miền đất nước đã tề tựu về lớp bồi dưỡng này. Có thể kể đến nhà thơ Mỵ Duy Thọ (SN 1947) thuộc Hội Nhà văn Hà Nội, tuy tuổi cao nhưng cũng đến với lớp học bằng tất cả tình yêu văn chương. Hay như với nhà thơ Trần Cường - một bác sĩ về hưu, ông là Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ - Nhạc Việt. Đây là lần thứ ba tham gia khóa học bồi dưỡng nhưng với ông, khóa học nào cũng mang lại những điều mới mẻ, giá trị khác biệt khi được lĩnh hội những kiến thức của những "cây đa", "cây đề" trong làng văn học.
Ấn tượng với chúng tôi nhất trong khóa bồi dưỡng lần này chính là học viên khiếm thị - nhà văn Nghiêm Thu Loan, hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Truyền thông chuyên nghiệp Đại học RMIT. Loan đã xuất bản được hai tập sách “Giấc mơ nơi thiên đường” và “Sáng hơn ánh mặt trời”, ngoài những giờ lên lớp, em còn dạy thêm tiếng Anh và chủ nhiệm Câu lạc bộ “Step – Hành động vì người khiếm thị”. Em trở thành niềm cảm hứng, truyền đi thông điệp tích cực cho cả lớp và trở thành nhân vật chính trong nhiều sáng tác của các nhà văn, nhà thơ ngay tại lớp học.
Khóa học như nhà văn Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tin tưởng sẽ giúp học viên, nhất là những học viên "tay ngang", "ngoại đạo" như chúng tôi vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng vào hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng hơn.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc