Trúc Hoài - Nhà văn đam mê sưu tầm, lưu giữ hiện vật về nước Nga
Như một cách thể hiện tình cảm sâu sắc của mình với nước Nga thân yêu, hơn 100 bức ảnh và rất nhiều hiện vật là các bài báo, tiểu thuyết, truyện ngắn... có nội dung về đất nước, con người nước Nga được Nhà văn Trúc Hoài dày công sưu tầm và sáng tác.
Nhà văn Trúc Hoài (SN 1942) tên thật là Nguyễn Trúc. Sau giải phóng, ông từng công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh… và là một người đam mê sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT). Sau khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn dành cho công việc sáng tác, hiện nay nhà văn Trúc Hoài là hội viên Hội VHNT Đắk Lắk. Nhà văn Trúc Hoài cho biết, mặc dù ông chưa từng được đến nước Nga nhưng ngay từ nhỏ qua những bài học lịch sử nước Nga, văn hóa Nga (bao gồm: âm nhạc, hội họa, điện ảnh) đã vun đắp trong ông một tình yêu đặc biệt dành cho đất nước này.
Nhà văn Trúc Hoài chia sẻ về những tư liệu trong bộ sưu tập về nước Nga của mình. |
Chính vì vậy, ngoài một số bài báo có nội dung ca ngợi về chiến thắng Cách mạng Tháng Mười Nga đăng trên các Báo Đắk Lắk, Nhân Dân, ông bắt tay vào sưu tầm, lưu giữ những bức ảnh, hiện vật về đất nước, văn hóa và con người nước Nga. Để thuận lợi cho công việc sưu tầm, tìm hiểu về văn hóa nước Nga, nhà văn Trúc Hoài còn tự mày mò học thêm tiếng Nga.
Trong bộ sưu tập của nhà văn, nhiều nhất là hình ảnh. Những bức ảnh được ông cất giữ cẩn thận từ những trang báo, tạp chí mà ông được đọc. Mỗi bức ảnh là một sự kiện sinh động giới thiệu về diễn biến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, về đất nước, con người, nền văn hóa Nga; về thành quả to lớn của đất nước này qua hơn 7 thập kỷ xây dựng xã hội chủ nghĩa; về quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Nga ngày nay… Có những bức ảnh mà số tuổi đến nay gần bằng số tuổi của ông nhưng vẫn còn nguyên vẹn, không nhàu nát. Ông còn cẩn thận ghi chú lại tất cả xuất xứ của bức ảnh. Nên bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng khi thuyết minh về bộ sưu tập ảnh của mình, ông nói say sưa và không sai một dữ kiện nào.
Bộ sưu tập về nước Nga của nhà văn Trúc Hoài có nhiều hiện vật đặc biệt mà ông đã rất khó khăn để sở hữu và lưu giữ được đến ngày hôm nay. Có những hiện vật mà khi nhắc đến làm ông rưng rưng xúc động. Đó là tập sách ảnh chiến thắng Cách mạng Tháng Mười Nga có nội dung về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Hay như đĩa CD vở diễn ba lê Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky; cuốn từ điển tiếng Nga 5.700 từ; tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy; bức ảnh “Người đàn bà xa lạ” của họa sĩ người Nga Ivan Nikolaevich Kramskoi. Không "bõ công" sưu tầm và lưu giữ, bộ sưu tập ảnh về đất nước Nga của nhà văn Trúc Hoài đã đến được với công chúng qua Triển lãm ảnh kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017) do Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 6/11/2017 tại Bảo tàng tỉnh.
Một số tư liệu trong bộ sưu tập về nước Nga của nhà văn Trúc Hoài. |
Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, việc tìm kiếm một bức ảnh, hay câu chuyện nào về nước Nga đều có thể dễ dàng chỉ bằng một cú "nhấp chuột". Thế nhưng, với thời của nhà văn Trúc Hoài, để có được những bức ảnh, tư liệu quý giá như thế không dễ dàng gì. Nhà văn Trúc Hoài tâm sự: “Thế hệ của chúng tôi ai cũng dành tình yêu đặc biệt với nước Nga. Những gì tôi đã làm, chỉ mong góp được “viên gạch” nhỏ trong việc tăng cường sự hiểu biết sâu sắc của thế hệ trẻ về ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng như về quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga vốn có bề dày lịch sử, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp cho đến ngày hôm nay”.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc