Đau đáu tình yêu với văn hóa truyền thống
Trong số 20 nghệ nhân của tỉnh được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vừa qua, huyện Krông Năng vinh dự có 4 nghệ nhân.
Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những nghệ nhân ấy đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa cồng chiêng và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Y Yăng Mlô (buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng) vẫn thường có mặt trong các dịp lễ, hội của buôn làng, quê hương. Ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, ông đã được cha dạy đánh chiêng knăh. Mỗi ngày học một ít, chỉ sau hai năm ông đã có thể đánh các bài chiêng một cách thành thạo và tham gia vào đội cồng chiêng của buôn để biểu diễn vào các dịp lễ hội.
Được kế thừa từ người lớn tuổi trong buôn, cùng với năng khiếu bẩm sinh, ông Y Yăng tranh thủ thời gian học chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống như đinh tak ta, đàn goong, đàn b’rố và tạc được những bức tượng hoàn chỉnh.
Đến nay, ông là nghệ nhân biểu diễn, miệt mài với những đam mê truyền thống và truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của người Êđê cho con cháu. Nghệ nhân Y Yăng tâm sự rằng, văn hóa cồng chiêng là nét đẹp từ lâu đời của người Êđê, rất cần được gìn giữ và phát huy. Thế nhưng một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về giá trị văn hóa này, không mấy mặn mà với cồng chiêng.
Chính điều này càng thôi thúc ông phải cố gắng hơn, truyền dạy nhiều hơn, mong sao sẽ có nhiều thanh thiếu nhi học và tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng, về các nhạc cụ dân tộc, để văn hóa truyền thống không bị mai một.
Nghệ nhân Ưu tú Y Yăng Mlô (bìa trái) và Y Wơn Niê (thứ hai từ trái sang) cùng người thân sinh hoạt âm nhạc tại ngôi nhà dài truyền thống. |
Cũng như nghệ nhân Y Yăng, nghệ nhân Y Djuan Mjâo (buôn M’Ngoan, xã Ea Hồ) ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc, yêu thích cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và nuôi dưỡng tình yêu ấy đến tận bây giờ. Lúc sinh thời, cha ông đã dạy con trai mình những nhịp chiêng đầu tiên. Sống dưới những ngôi nhà dài truyền thống, những điệu hát kưt, kể khan, tiếng chiêng, tiếng cồng càng ngấm vào máu thịt của ông. Ông Y Djuan tâm sự: “Ngày trước học đánh chiêng là vào các buổi tối, sau vụ thu hoạch. Nhưng để học được cái hồn, cái cách diễn tấu là học qua các dịp lễ hội của buôn làng, được thực hành, nghe, hiểu và cảm nhận…”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cư M’gar, khi lập gia đình nghệ nhân Y Djuan chuyển đến buôn M’ngoan sinh sống. Dù đến mảnh đất mới nhưng vẫn được sống giữa buôn làng, với những nét văn hóa truyền thống xa xưa, ông đã tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của người Êđê tại địa phương. Đến nay, nghệ nhân đã truyền dạy cho hàng chục con em trong gia đình, buôn làng.
Với kinh nghiệm của mình, ông luôn bắt đầu truyền dạy bằng việc để học trò nghe một bài hòa tấu chiêng, giới thiệu về bài chiêng và ý nghĩa của nó; sau đó mới chỉ cách đánh từng chiêng, bởi mỗi chiêng có một cách đánh và tiết tấu khác nhau… Sau những cố gắng của mình, niềm mong mỏi của nghệ nhân Y Djuan là có thể đào tạo được lớp trẻ kế thừa truyền thống dân tộc, cho dù đi đến đâu vẫn có thể phát huy như ông
Nghệ nhân Ưu tú Y Djuan Mjâo (buôn M’Ngoan, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng). |
Cùng với nghệ nhân Y Yăng Mlô, Y Djuan Mjâo, nghệ nhân Y Wơn Niê, Y Ă Mlô cũng đã dành trọn cả cuộc đời để lưu giữ, trao truyền những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý báu. Thật tiếc nghệ nhân Y Ă Mlô không kịp trọn vẹn với niềm vui, đã về với tổ tiên, với yàng, song tài sản tinh thần ông để lại vẫn lưu mãi với thời gian, như lời anh Y Loang Niê, con nghệ nhân Y Ă Mlô bùi ngùi chia sẻ rằng, dù cha đã đi xa, nhưng tình yêu văn hóa truyền thống của ông vẫn còn hiện hữu và sẽ được con cháu nuôi dưỡng, tiếp nối xứng đáng với tình yêu đó.
Ông Nguyễn Văn Vỹ (Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Năng) cho hay, các nghệ nhân trên địa bàn huyện nói chung và các nghệ nhân vừa được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nói riêng đã đóng góp rất nhiều trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.
Vừa qua, tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2022, các nghệ nhân của đoàn huyện Krông Năng đã mang đến những tiết mục ấn tượng, chất lượng, ghi dấu ấn đối với Ban tổ chức, khán giả, góp phần vào thành tích đoạt giải Nhất toàn đoàn.
Ngày 28/12, UBND huyện Krông Năng tổ chức trao tặng Giấy khen cho đoàn nghệ nhân đã có thành tích xuất sắc tại liên hoan này và các Nghệ nhân Ưu tú trên địa bàn huyện. Đó là sự tôn vinh xứng đáng, là động lực để các nghệ nhân tiếp tục sứ mệnh trao truyền lại cho con cháu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và lưu giữ đến muôn đời.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc