Multimedia Đọc Báo in

Người "giữ hồn" chiêng ở buôn Tliêr

06:14, 04/12/2022

Năm nay 55 tuổi, nghệ nhân Y Bê Niê ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) không chỉ biết đánh chiêng, truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ mà ông còn là người… trẻ tuổi duy nhất biết chỉnh chiêng ở buôn. 

Thuở bé mỗi lần theo cha đi đến các lễ hội, Y Bê đã bị thu hút bởi những điệu cồng chiêng rộn ràng, uyển chuyển. Năm lên 10 tuổi, Y Bê muốn học đánh chiêng; người cậu ruột đã dạy cho ông cách đánh chiêng và chỉnh chiêng. Đến năm 20 tuổi, Y Bê đã đánh thành thạo các bài cồng chiêng trong các lễ hội. 

Ông Y Bê chia sẻ: “Cồng chiêng rất có hồn, muốn sử dụng phải hiểu chúng và xem chúng như người bạn thân thiết, có như thế thì hồn mình và hồn chiêng mới hòa quyện vào nhau, tạo ra âm thanh khi thì ngân nga, sâu lắng, khi thôi thúc, trầm bổng rất độc đáo... Còn để chỉnh được một bộ chiêng, ngoài việc có đôi tai tinh tường để thẩm âm thì đòi hỏi người chỉnh chiêng phải có năng khiếu, khéo léo, chịu khó và tỉ mỉ. Thời gian chỉnh chiêng lâu hay nhanh phụ thuộc vào khả năng thẩm âm của người chỉnh chiêng, có những chiếc chiêng sửa rất nhanh chỉ mất khoảng hơn một giờ, nhưng đối với những bộ chiêng cổ nếu bị lạc âm, phải kéo dài nhiều ngày…".

Nghệ nhân chỉnh chiêng Y Bê Niê.

Suốt 30 năm qua, không chỉ đánh chiêng, truyền dạy đánh chiêng, thổi kèn đing năm, hát aray…, ông Y Bê Niê còn chỉnh âm cho hàng chục bộ chiêng của những gia đình trong và ngoài xã. Năm 2018, ông được công nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng.

Theo ông Y Wí Byă, Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Phong, cũng là người ở buôn Tliêr, những người chỉnh chiêng được xem như người “giữ hồn” cho cồng chiêng. Buôn Tliêr hiện còn 15 bộ cồng chiêng, số lượng người biết đánh cồng chiêng thì nhiều, nhưng người trẻ tuổi biết chỉnh chiêng được công nhận nghệ nhân thì chỉ có Y Bê Niê. Đây là niềm vui, vinh dự của Y Bê và bà con buôn Tliêr. 

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.