Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Buôn Ma Thuột chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

07:58, 09/12/2022

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp; góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

Nổi bật là mô hình “Nhà dài vườn xanh” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố triển khai tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) vào tháng 9/2022. Mô hình đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hành động của mỗi hội viên, phụ nữ trong tạo dựng không gian sống xanh và hơn hết là nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Đến đây, du khách sẽ có dịp khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc bản địa, như: tìm hiểu về kiến trúc nhà sàn, trang phục, tín ngưỡng, thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Êđê. Đối với khách lưu trú sẽ được tham gia các hoạt động cộng đồng, như: cấy và thu hoạch lúa, hái cà phê, ủ rượu cần, đốt lửa trại... để họ cảm thấy được hòa mình với cuộc sống và thiên nhiên nơi đây.

Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao cho biết, cùng với việc giữ nếp nhà dài, duy trì nghề dệt thổ cẩm, Hội đã vận động chị em cải tạo những khoảng đất trống sau nhà để trồng các loại rau truyền thống của dân tộc, như: cà đắng, lá mì, mướp đắng rừng, rau rừng, ớt hiểm... tạo nguồn thực phẩm tươi sạch, an toàn phục vụ việc ăn uống hằng ngày của gia đình cũng như nhu cầu sử dụng ẩm thực dân tộc của du khách tham quan. Hội cũng thường xuyên đăng tải những hình ảnh, hoạt động liên quan đến mô hình lên mạng xã hội để giới thiệu, lan tỏa đến với mọi người. Ban đầu, chỉ có 9 hộ hội viên, phụ nữ tham gia mô hình, đến nay đã tăng lên thành 13 hộ. Người dân trong buôn đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, thực hiện nếp sống văn minh để tiếp đón khách du lịch.

Chị H’Yam Bkrông, chủ homestay HNOH Ea Kao giới thiệu nghệ thuật tạc tượng gỗ của người Êđê với du khách.

Chị H’Yam Bkrông, chủ homestay HNOH Ea Kao chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình, homestay của gia đình đã được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm đến lý tưởng của du khách khi ghé thăm TP. Buôn Ma Thuột. Vào những lúc cao điểm, mỗi tháng chị đón khoảng 100 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm, trải nghiệm”.

Hay như mô hình “Gia đình an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc” do Hội LHPN xã Ea Tu triển khai tại buôn Ko Tam đã giúp phụ nữ trong buôn có cơ hội giao lưu, học hỏi, tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, phục hồi và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Các thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí về "an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc" thông qua các hoạt động, phần việc cụ thể: nhà ở bảo đảm an toàn theo tiêu chí "3 cứng"; chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, phòng, chống thiên tai theo đặc thù địa phương; hưởng ứng phong trào “Mỗi phụ nữ một cây xanh”; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; truyền dạy nghề đánh chiêng, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ…

Phụ nữ buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) trồng các loại rau truyền thống của người Êđê trong vườn.

Theo Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột Lê Thị Thanh, thành phố có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống, nên có nền văn hóa đa dạng và phong phú. Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, Hội LHPN thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ phát huy vai trò trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc, như: mặc trang phục truyền thống, tham gia các trò chơi dân gian, hoạt động tín ngưỡng, sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức (Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số); tổ chức tập luyện ca hát tiếng dân tộc, thổi kèn đinh pút, đinh năm, hát xoan, múa Thái...

Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia. Trong năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập được 1 mô hình "Nhà dài vườn xanh", 7 mô hình “Gia đình an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc” thu hút gần 170 hội viên, phụ nữ tham gia; thành lập 2 tổ dệt thổ cẩm, 1 câu lạc bộ tiếng chiêng Mường với hơn 75 thành viên.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.