Multimedia Đọc Báo in

Tết mang màu nhớ...

06:09, 21/01/2023

Dù đón năm mới ở nhiều nơi trên thế giới, song trong tâm trí những người Việt xa xứ vẫn thấm đẫm “mùi vị” Tết của quê nhà. Họ vẫn cố tìm chút “bóng dáng” quê hương qua những món ăn, phong tục mang hương vị Tết Việt...

Xa quê hơn 15 năm, đã khá lâu chị Wendy Uyen Chau (sinh ra với lớn lên ở huyện Cư M’gar) chưa có cơ hội về Việt Nam đón Tết cổ truyền.

Nơi chị ở là bang Iowa, Hoa Kỳ. Khoảng một tuần trước Tết, chị ra chợ Việt, cách nơi ở không xa sắm sửa bánh chưng, bánh tét, dưa món, mứt và không quên mua nguyên liệu về nấu cơm gà, thịt kho, canh khổ qua nhồi thịt... Chị chia sẻ: “Mình vẫn giữ truyền thống trang hoàng nhà cửa, bày mâm cỗ Tết, tự tay làm một số món ăn Việt cho chồng con, bạn bè cùng thưởng thức, để mang đến không khí ấm áp, vui vẻ, giúp con cái trải nghiệm văn hóa Việt”.

Chị Wendy Uyen Chau (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình đi chùa vào dịp Tết cổ truyền của người Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp

Vui nhất vẫn là những năm chị sang California đón Tết cùng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, nhộn nhịp chẳng khác ở quê nhà. Chị cùng mọi người đi chùa, đi hội chợ Xuân, xem múa lân, chơi các trò chơi dân gian, tổ chức ăn uống, hát hò, lì xì, gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong năm mới.

Với chị Đỗ Tường Vi (sinh ra ở TP. Buôn Ma Thuột) đây là năm đầu tiên chị đón Xuân xa nhà. Càng gần Tết cổ truyền của dân tộc, chị càng nôn nao nhớ quê hương, nhớ gia đình da diết. Chị Vi tâm sự: “Tôi rất nhớ gia đình, nhớ bữa cơm chiều cuối năm, nhớ cái tất bật của chợ 30 Tết, nhớ chợ hoa Tết ở Quảng trường 10/3...”. Chị Vi gọi điện thoại về cho mẹ nhiều hơn để cảm nhận không khí ấp ám của gia đình, để nghe... “mùi vị” của Tết Việt thêm gần! Ở Hoa Kỳ, chị Vi cũng chuẩn bị mâm cỗ đón Giao thừa. Chị vào bếp nấu các món ăn Việt, tìm mua cành mai, nghe nhạc Xuân, gọi Facetime cho người thân ở quê nhà.

Từ Australia, anh Vincent Huynh (thành phố Sydney, bang New South Wales) chia sẻ, ngày Tết cổ truyền của Việt Nam là mùa hè trên đất Australia, dịp này ở đây hoa vạn thọ được trồng nhiều càng làm anh chộn rộn nhớ quê. Ở Nam bán cầu, anh cùng bạn bè đón một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình. Ngày cuối tuần cận Tết, anh cùng bạn bè gặp gỡ, sum vầy.  “Mọi người chào đón năm mới, ăn những món ăn Việt, hát hò và chuyện trò vui vẻ. Không khí sum họp bình dị nhưng ấm cúng”- anh kể. Song trong sâu thẳm, anh vẫn mong về Việt Nam đón Tết.

Anh Nguyễn Minh Đức (hàng trước, thứ 2 từ phải sang) cùng bạn bè đón mừng năm mới trên đất Canada.
 

”Trong bữa cơm sum họp ngày cuối năm, không ít bạn bè người Canada của tôi tỏ ra thích thú, tìm hiểu về tết Việt. Họ hứng thú hỏi kỹ về từng món ăn, vì sao phải ăn trong dịp Tết... Đây cũng là dịp để giá trị truyền thống của Tết Việt lan tỏa”.

 

 
Anh Nguyễn Minh Đức, TP. Mississauga  (tỉnh bang Ontario, Canada)

Dù rời Việt Nam sang Canada định cư đã 34 năm nhưng anh Nguyễn Minh Đức (TP. Mississauga, tỉnh bang Ontario) vẫn giữ nếp nhà và phong tục Tết của dân tộc như: chờ đón Giao thừa, giữ phong tục lì xì đầu xuân và gửi lời chúc năm mới an lành, nhiều sức khỏe, may mắn đến người thân. Theo anh, đó là ký ức, khắc sâu trong tim để hồn quê gợi về, nhắc các con nhớ về ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tết Việt đúng vào mùa đông ở Canada nhưng lòng vẫn ấm như Tết ở quê nhà.

Ngày cận tết, vợ chồng anh cố gắng chuẩn bị một bữa cơm chiều cuối năm tươm tất để mọi người ngồi lại với nhau, sum họp như lối sống của bao gia đình người Việt.

Tết với mỗi người Việt xa xứ, là lúc nỗi nhớ dâng tràn trong tim. Dù xa quê đã lâu, sống ở đất nước có nền văn hóa khác nhau nhưng trong lòng họ luôn dành góc riêng để hướng về quê hương, đất nước. Không thể đoàn tụ vào dịp Tết này, nhiều người chọn cách gọi điện, gửi những lời chúc Tết qua mạng xã hội mong muốn gia đình, người thân ở Việt Nam một năm mới bình an, hạnh phúc.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.