Multimedia Đọc Báo in

Yăng trong đời sống người M’nông

09:38, 19/02/2023

Người M’nông có lịch sử phát triển gắn liền với văn minh nương rẫy, với các lễ nghi, lễ hội theo nông nghiệp, theo vòng đời hoặc theo các mối quan hệ xã hội. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, hiện vật không thể thiếu là những chiếc chóe rượu cần bằng gốm, được người M’nông gọi là yăng.

Những người già M’nông kể rằng, yăng du nhập vào trong cộng đồng M’nông không biết từ khi nào, nhưng để có được chiếc yăng về sử dụng người ta phải trao đổi hoặc mua lại của một số dân tộc khác. Người M’nông dùng yăng để ủ rượu cần hoặc dùng cất giữ đồ có giá trị, vì vậy yăng có nhiều loại: từ kích cỡ nhỏ đến lớn, yăng có hoặc không có hoa văn trang trí, nhiều màu sắc…

Rượu cần trong nghi lễ gắn kết cộng đồng của người M’nông.

Rượu cần là đồ uống phổ biến và là nét văn hóa đặc trưng của người M’nông từ xa xưa đến nay. Đây là loại đồ uống quý được dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những lễ hội và dành đãi khách. Trong tín ngưỡng đa thần của người M’nông, Yàng (thần linh) trú ngụ khắp mọi nơi, rượu cần, cây nêu và cồng chiêng là vật trung gian giao tiếp giữa con người với thần linh. Vì vậy, yăng rượu cần cũng gắn bó chặt chẽ với đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người M’nông; từ các lễ nghi vòng đời (lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe, đám cưới, bỏ mả...) đến lễ nghi nông nghiệp (lễ cúng giống lúa, lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) hay các mối quan hệ xã hội lễ kết nghĩa anh em cũng không thể thiếu yăng. Thông qua các nghi lễ, với sự hiện diện của yăng, người M’nông đã gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các Yàng che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, ngô, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, yăng gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật.

Chóe rượu cần bằng gốm (yăng) là hiện vật không thể thiếu trong các nghi lễ của đồng bào M’nông.

Người M’nông không tự sản xuất được yăng dùng để ủ rượu cần mà dùng các sản phẩm nông lâm sản trao đổi cho các tộc người khác từ miền xuôi hoặc mua lại của các thương lái hay đổi những bộ chiêng và những thổ cẩm có giá trị để lấy những chiếc yăng quý. Cho nên, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào, yăng không chỉ đơn thuần là vật dụng để ủ rượu cần mà còn là một loại tài sản có giá trị cùng với chiêng, trống, nồi đồng… và là vật biểu trưng cho sự giàu có, đẳng cấp, địa vị của mỗi gia đình, dòng họ (gia đình giàu có sở hữu lên đến 40 - 50 chiếc yăng).

Ngày nay, yăng không còn là tài sản dùng để trao đổi và buôn bán như trước kia nữa, song loại vật dụng này vẫn là một hiện vật không thể thiếu trong nhiều nghi lễ, vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người M’nông.

Đoàn Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.