"Bữa tiệc" văn hóa đa sắc màu ở vùng biên
Từ ngày 8 đến ngày 13/3, tại trung tâm lễ hội huyện Buôn Đôn, hàng nghìn người dân và du khách xa gần đã cùng hướng về thưởng thức những giai điệu, âm thanh, các hoạt động giàu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Chương trình Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc và Hội voi Buôn Đôn rất thành công khi thể hiện được bức tranh đa sắc màu của các dân tộc vùng đất này trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, từ truyền thống đến quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Với quy mô hoành tráng, chương trình gồm chuỗi hoạt động sôi nổi, phong phú như thực hành các nghi lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, mừng lúa mới; cùng nhiều hội thi: đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tạc tượng gỗ dân gian; thi ném còn, giã gạo, bắn nỏ, hội trại. Và đặc biệt, Hội voi Buôn Đôn đã tạo dấu ấn sâu sắc với nhiều điểm mới, thú vị như thi trang điểm cho voi, tiệc buffet dành cho voi, chụp ảnh cùng voi.
Phần thi ẩm thực hấp dẫn của các thí sinh Khối Bộ đội Biên phòng tỉnh. |
Về với lễ hội, ấn tượng đầu tiên mà ai cũng dễ dàng cảm nhận được chính là sức mạnh đoàn kết, nỗ lực của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, đồng bào các dân tộc cùng 21 đơn vị tham gia. Giá trị ấy thể hiện không chỉ là con số hàng nghìn người có mặt, mà còn ở sự đóng góp công sức, trí tuệ của họ trong nhiều ngày liền để làm nên thành công của những hoạt động riêng biệt trong tổng thể chương trình rộng lớn. Đơn cử, tại hội trại, để dựng lên những “ngôi nhà” có linh hồn, mang đậm bản sắc, có tính giáo dục cao, dấu ấn đặc trưng của từng đơn vị, quân – dân nơi đây đã dày công chuẩn bị nguyên vật liệu, lên ý tưởng trước đó hơn cả tháng. Tiêu biểu như mô hình cột mốc, vọng gác (trại của Khối Bộ đội Biên phòng tỉnh); hay cổng trại mô phỏng hình voi (các trại của Vườn Quốc gia Yok Đôn và xã Krông Na – nơi có rất nhiều voi sinh sống), cổng trại mô phỏng nhịp cầu treo (trại Khối Giáo dục)...
Lễ hội cũng là dịp cho sự sáng tạo, tinh tế và khéo léo của nhân dân các dân tộc thêm thăng hoa. Trong các phần thi ẩm thực, kết hoa chămpa, hay dệt thổ cẩm, những đôi tay duyên dáng của các thí sinh không ngừng thể hiện tài năng. Ở phần thi ẩm thực, chị Trần Thị Tuyên (Vườn Quốc gia Yok Đôn) cùng đồng nghiệp thực hiện tỉ mỉ, chi tiết chuỗi thực đơn 7 món của đơn vị, trong đó có món điểm nhấn là canh kiến vàng cá lăng. Hay như ở phần thi dệt thổ cẩm, chị Lò Thị Dợn (dân tộc Mường, xã Ea Wer) đã miệt mài kéo sợi, phối màu, thực hiện các họa tiết hoa văn để dệt nên chiếc khăn piêu rực rỡ, đẹp mắt. Chị tâm sự: “Từ ngày còn rất bé, tôi đã học được cách dệt thổ cẩm từ bà và mẹ. Cũng lo sợ bị mai một nghề, nên những khi rảnh rang hay dịp lễ, Tết, tôi thường tranh thủ dệt khăn, áo choàng, chăn đắp cho các thành viên trong gia đình. Từ đó dạy cho các con nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc mình để các con thêm trân trọng, yêu quý”.
Thanh thiếu niên các dân tộc rộn ràng, vui tươi trong Hội voi Buôn Đôn. |
Đặc biệt, trong chuỗi sự kiện, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống đã mang đến một "bữa tiệc" âm nhạc đa sắc màu. 15 tiết mục văn nghệ đêm chung kết đã cuốn hút người xem bởi sự đầu tư công phu, cùng phần trình diễn đầy sôi động, vui tươi, nhưng không kém phần sâu lắng. Tiêu biểu như phần biểu diễn của các thí sinh Khối Giáo dục trong ca khúc “Tinh hoa đại ngàn”, “Thềnh thềnh oong ơi”; các tiết mục múa “Hội mùa”, “Vũ điệu đoàn kết” của các thí sinh đến từ xã Ea Nuôl, Krông Na; hay như tiết mục cồng chiêng “Mừng cơn mưa đầu mùa” của các thí sinh đến từ xã Ea Wer... Liên hoan năm nay càng đặc biệt hơn khi huyện Buôn Đôn lần đầu tiên tổ chức trình diễn trang phục truyền thống dành cho lứa tuổi thiếu niên. Từ đó giúp học sinh thêm tự hào và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trang phục truyền thống của dân tộc mình...
Với cộng đồng các dân tộc và du khách, lễ hội khép lại với những ấn tượng không thể quên. Còn với những người trực tiếp tham gia các hoạt động của trại, ai cũng đong đầy niềm vui xen lẫn tự hào.
Bà Nang Bun Sổm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho hay, lễ hội đã thực sự trở thành cầu nối giao lưu, giúp các đơn vị học hỏi kinh nghiệm của nhau để cùng phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc