Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê

19:02, 10/03/2023

Chiều 10/3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê.

Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Thụy Phương Hiếu; đại diện Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam và các nghệ nhân tham gia hội thi.

Các đại biểu tham dự hội thi.
Các đại biểu tham dự hội thi.

Tham gia hội thi có 53 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kum Tum.

Trong thời gian từ ngày 10 – 12/3, các nghệ nhân sẽ tham gia chế tác sản phẩm mỹ nghệ bằng hình thức điêu khắc, chạm trổ, mài, đục, cắt gọn trên thân cây cà phê để mô tả hình ảnh sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của con người Tây Nguyên; thế giới tự nhiên; các đồ vật sử dụng trong gia đình; trang trí nhà cửa… Mỗi nghệ nhân tham gia hội thi phải đạt ít nhất 1 sản phẩm, được ghép từ ít nhất 6 thân gốc cà phê trở lên hoặc nhiều sản phẩm rời theo chủ đề được chế tác từ 6 thân gốc cà phê trở lên.

Đồng thời, sản phẩm phải thể hiện được nét đặc trưng về nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ, làm nổi bật được giá trị truyền thống và mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Khuyến khích những sản phẩm có ý tưởng sáng tạo, độc đáo, miêu tả được hình ảnh về Tây Nguyên. Sản phẩm hoàn thành sẽ được các nghệ nhân trực tiếp trình bày, thuyết minh về ý tưởng, nội dung, ý nghĩa về tác phẩm của mình và được Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá, chấm điểm.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại hội thi.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại lễ khai mạc hội thi.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng cho biết, hội thi đã tạo cơ hội cho các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chế tác sản phẩm mỹ nghệ đa dạng từ cây cà phê, lan tỏa được sản phẩm độc đáo đến khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Các nghệ nhân thể hiện được đam mê, ý tưởng, sáng tạo nghệ thuật, tạo nhiều sản phẩm mỹ nghệ phong phú mang đậm văn hóa tinh thần, vật chất của con người Tây Nguyên. Qua đó, góp phần thể hiện tình đoàn kết, liên kết phát triển văn hoá của vùng Tây Nguyên. Đồng thời, chung tay quảng bá, giới thiệu tiềm năng, văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Ban tổ chức hội thi trao cờ lưu niệm cho các đơn vị dự thi.
Ban tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị dự thi.

Kết thúc hội thi, các sản phẩm chế tác sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng – Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam để giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng văn hóa của con người Tây Nguyên đến khách du lịch.

Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thi:

 
ác nghệ nhân đang tập trung thực hiện tác phẩm của mình.

Không khí nhộn nhịp, hăng say của hội thi. 

Các nghệ nhân tỉnh Kom Tum tỉ mỉ phác họa ý tưởng của mình trên thân cây cà phê.
Các nghệ nhân tỉnh Kon Tum tỉ mỉ phác họa ý tưởng của mình trên thân cây cà phê.
Các nghệ nhân sử dụng dây cước đánh sạch bụi bẩn trên thân gốc cà phê.

Bước đầu, các nghệ nhân sẽ sử dụng dây cước đánh sạch bụi bẩn trân thân gốc cà phê.

Âm thanh từ những chiếc đục, khoan, cưa... làm việc hết công suất.
Những chiếc đục, khoan, cưa... làm việc hết công suất. 
Những thân gỗ được tạo hình theo ý tưởng của các nghệ nhân.
Những thân gỗ sần sùi đang dần thành hình theo ý tưởng của các nghệ nhân.
Bụi bặm từ mùn cưa bám đầy mặt, áo quần, nhưng các nghệ nhân hăng say thực hiện tác phẩm.
Mùn cưa bám đầy mặt, áo quần, nhưng các nghệ nhân hăng say thực hiện tác phẩm.
Nghệ nhân (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tỉ mỉ mài những chi tiết nhỏ cho bức tranh từ thân gỗ cà phê của mình.
Nghệ nhân Lê Huy Hùng (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tỉ mỉ mài những chi tiết nhỏ cho bức tranh từ thân gỗ cà phê của mình.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.