Sự tích sáo vống của người Xê Đăng
Đồng bào Xê Đăng sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có rất nhiều loại nhạc cụ, trong đó nổi bật là cây sáo vống thể hiện cội nguồn của tộc người.
Những người già vùng cao Trà My kể rằng: Ngày xưa, ở một nóc của người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh, có chàng trai sống cùng người mẹ trong chòi lợp bằng lá cây ở góc bìa rừng. Vì nhà nghèo nên chàng trai luôn bị những đứa trẻ con nhà giàu hắt hủi, xua đuổi, đánh đập. Khi cha chàng bị bệnh mất, bọn nhà giàu bắt nạt, cấm chàng trai và mẹ than khóc, làm ồn ào. Quá đau đớn, nhưng vì sợ bọn con nhà giàu tiếp tục đánh đập, chàng không thể khóc thành lời. Trong một lần đi kiếm củi trong rừng sâu, chàng trai chặt một cây nứa nhỏ bằng ngón tay trống ở hai đầu. Khi vác củi trên vai về nhà, bất chợt một làn gió thổi qua lồng vào cây nứa vô tình tạo nên âm thanh nghe thì thầm như lời than khóc. Mỗi lần nhớ cha, chàng trai lại đưa ống nứa lên miệng thổi, tiếng sáo phát ra âm thanh thấm vào từng cành cây, ngọn cỏ. Đó chính là sáo vống của người Xê Đăng bây giờ.
Đàn ông Xê Đăng gắn bó với sáo vống như người bạn của mình. |
Tộc người Xê Đăng vùng núi Quảng Nam từ lâu đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chế tác các loại nhạc cụ truyền thống. Đa phần đàn ông Xê Đăng tự chế tác ra nhiều nhạc cụ, lấy âm nhạc làm thú vui, trong đó cây sáo vống thể hiện lại các giai điệu từ thiên nhiên nhằm trải lòng người trong lễ hội. Nhìn bề ngoài, sáo vống có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực để chế tác ra nó không hề dễ dàng. Nguyên liệu để làm sáo vống ở rừng không thiếu, song muốn làm được sáo vống hay thì người chế tác phải có khả năng thẩm âm tốt, đồng thời phải thường xuyên học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước. Để có sáo vống phát ra âm chuẩn, cần chọn cây nứa vừa già vừa thẳng. Độ dài phải đúng ba nắm tay chồng lên nhau, 5 lỗ trên thân sáo vống cũng phải theo tỷ lệ nhất định và một thanh tre nứa vót mỏng dùng sáp ong tạo lưỡi gà để thổi phát ra âm thanh. Người Xê Đăng chỉ cần nghe âm thanh phát ra hơi dài là biết nguyên liệu tạo ra nó chưa đạt, cần phải làm lại. Cứ làm mãi như thế, đến khi âm thanh kéo dài vang vang tắt dần, vừa tai người nghe là chuẩn.
Sáo vốn chỉ dành cho đàn ông Xê Đăng thổi. Tuy chỉ là một ống sáo nhỏ, nhưng khi được thổi lên trong những giờ phút nghỉ ngơi trên rẫy, âm thanh từ sáo vống khiến con thú, con chuột, con chim trong rừng sợ, không dám đến rẫy phá hoại mùa màng. Tiếng sáo vống khi nổi lên là lời réo gọi, mời bạn bè, dân làng gần xa cùng đến chung vui trong ngày làng tổ chức lễ hội. Có khi được các chàng trai thổi lên để mời gọi bạn gái, người mình yêu thương đến nhảy múa, uống rượu cần trong lễ hội đâm trâu hoặc ăn lúa mới, làm nhà mới, hát giao duyên rồi tìm hiểu nhau nên duyên chồng vợ.
Mặc dù hiện nay sáo vống của người Xê Đăng không còn được sử dụng nhiều trong các lễ hội truyền thống như trước kia, nhưng tiếng sáo vống luôn cuốn hút người nghe mỗi khi được cất lên, bởi những giai điệu mang đậm hơi thở của núi rừng như níu kéo bước chân mỗi người khách phương xa.
Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến bạn đọc