Multimedia Đọc Báo in

Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách: Trông người mà ngẫm đến ta(!)

06:30, 21/05/2023

Đưa cồng chiêng về phố để phục vụ nhân dân và du khách dưới tên gọi “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” được Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức thường kỳ hơn một năm qua (từ tháng 4/2022) tại Quảng trường Đoàn Kết, TP. Pleiku.

Đến nay, sản phẩm văn hóa - du lịch này đang thu hút du khách cùng người dân địa phương tham gia ngày càng đông đảo và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cảm nhận của mọi người.

Theo anh Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai), chương trình trên vào mỗi tối cuối tuần thu hút từ 5 – 6 nghìn lượt người tham dự. Con số này khá ổn định và được kiểm chứng, đánh giá của sở chủ quản trong Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” vào cuối tháng 4 vừa qua. Và theo dự kiến số lượt khách du lịch cũng như người dân ở đây tham gia chương trình này sẽ tăng lên trong thời gian tới nhờ nội dung, hình thức luôn hướng tới hoàn thiện và đổi mới dựa trên nền tảng tương tác, trải nghiệm có chiều sâu và công phu hơn giữa chủ thể lẫn khách thể.

“Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” được tổ chức tại phố núi Pleiku. Ảnh: Q. Tuệ

Vậy họ tương tác và trải nghiệm như thế nào? Anh Quang Tuệ cho biết, điều cốt yếu nhất là phải tạo dựng không gian văn hóa cồng chiêng chân thực cho mỗi tộc người tham gia trình diễn. Nói cách khác là trao quyền tự quyết và tự do cho chủ nhân vốn văn hóa ấy thỏa sức thăng hoa từ các giá trị truyền thống của mình trong môi trường đời sống đương đại. Ở đó, mỗi chương trình được biểu diễn (luôn gắn với nghi lễ, tín ngưỡng, tâm linh của một tộc người cụ thể) được chuyển tải đến người xem bằng “hơi thở” ấm nóng của cộng đồng thông qua hình ảnh, vũ điệu, âm thanh của cồng chiêng và sinh hoạt văn nghệ dân gian cổ truyền. Tất cả làm nên bức tranh lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc, đủ sức kết nối với mọi người dưới nhiều hình thức, cung bậc tình cảm đa chiều giữa người xem và người diễn.

Nói như anh Quang Tuệ: Có như thế, các nghệ nhân người Jrai cùng dân làng Chuet Ngol (xã Chư Ă, TP. Pleiku) mới đem cả rượu ghè và heo, gà nướng để mời khách thưởng thức, trải nghiệm với cồng chiêng nói riêng và vốn văn hóa của dân tộc mình nói chung trên tinh thần, tâm thế rất chủ động - rằng du khách chưa có điều kiện, cơ hội về buôn làng dự các lễ hội truyền thống gắn với hoạt động trình diễn cồng chiêng, cũng như các yếu tố văn nghệ dân gian khác… thì họ đem tất cả tinh hoa di sản ấy ra TP. Pleiku để “chiêu đãi” mọi người. Đây cũng là đường hướng duy trì và phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc trên của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, để Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” không đơn điệu và nhàm chán như đã từng xảy ra với một số tỉnh thành trong khu vực Tây Nguyên. 

Poster Chương trình “Âm vang đại ngàn".

Điều đáng nói nữa là chương trình này được xã hội hóa 100%, trong đó các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn luôn tự nguyện tài trợ kinh phí cho mỗi kỳ trình diễn. Cộng thêm khoản bồi dưỡng của du khách và người dân (bình quân 4 – 5 triệu đồng/kỳ) cũng đủ trang trải cho nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn.

Hơn thế, Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” ở đây đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng đúng nghĩa, đóng vai trò kích cầu cho “ngành công nghiệp không khói” Gia Lai.

Anh Quang Tuệ chia sẻ thêm: Nếu như ở nhiều địa phương khác, các đơn vị làm du lịch phải cất công đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa - cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ tại một không gian/nơi chốn nào đó nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách - thì ngành du lịch Gia Lai (đặc biệt là các hãng lữ hành nội địa và quốc tế, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP. Pleiku cũng như một số thị xã, thị tứ cận kề) xem chương trình trên là tâm điểm, là sản phẩm du lịch cùng hệ tiêu biểu để phục vụ cho du khách với lịch trình cụ thể, rõ ràng được bộ phận quản lý du lịch (Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai) kết nối thường xuyên với các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn. Nhờ vậy trong 4 kỳ/tháng, chương trình trên luôn thu hút số lượng người đến thưởng thức, trải nghiệm khá đông đảo và ổn định bởi yếu tố chân thực, mới lạ được chính chủ nhân vốn văn hóa các tộc người Jarai, Bana tạo nên trong không gian xanh và thân thiện tại Quảng trường Đoàn Kết - phố núi Pleiku.  

 

“Trung tuần tháng 7 năm nay, Chương trình “Âm vang đại ngàn” vừa tròn 7 năm ra mắt phục vụ công chúng và du khách đến với Đắk Lắk. Sản phẩm văn hóa, du lịch này chúng ta có trước Gia Lai một thời gian khá dài - và được coi là mới mẻ để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất giàu bản sắc của Đắk Lắk. Tuy nhiên, cũng nên học hỏi tỉnh bạn để điều chỉnh, hoàn thiện chương trình phù hợp hơn”.

 
 Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Y Phôn Ksor

Hiện nay, Đắk Lắk cũng có sản phẩm văn hóa, du lịch tương tự với tên gọi “Âm vang đại ngàn”. Chất liệu nghệ thuật để dàn dựng chương trình này chủ yếu dựa trên vốn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của các tộc người thiểu số tại chỗ, trong đó chủ đạo vẫn là dân tộc Êđê và M’nông với những tiết mục: hòa tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống (đàn t’rưng, đàn đá, chinh kram, kèn đing năm, đing tút, đing pơng, tạc tà và sáo vỗ…) kèm múa hát dân gian được cách điệu và sáng tạo thêm. Song, theo nhìn nhận và đánh giá của những người từng tham gia xây dựng chương trình như Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô, Nghệ sĩ Ưu tú Y Phôn Ksor: Chương trình “Âm vang đại ngàn” được công chúng và du khách đón nhận như một sản phẩm du lịch thuần túy với hoạt động trình diễn nghệ thuật trên sân khấu ước lệ và nhạt nhòa, vì thế chưa thật sự mang lại cho người thưởng thức cảm xúc chân thật và trọn vẹn. Từ sự ước lệ, nhạt nhòa của chương trình đã nhanh chóng khiến người xem nhàm chán. Và điều đáng lo ngại hơn là những giá trị cốt lõi của văn hóa cồng chiêng ở đây chưa hiện ra đầy đủ, chân thực và sinh động bởi chính mỗi một cộng đồng dân tộc tham gia thể hiện.

Theo anh Nông Hoàng Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh (đơn vị hiện đang đứng ra tổ chức Chương trình “Âm vang đại ngàn” vào hai tối thứ bảy/tháng), hạt nhân của chương trình vẫn là những nghệ nhân, nghệ sĩ của các đoàn, tổ chức chuyên biểu diễn văn hóa - văn nghệ trên địa bàn như: Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk; Nhóm biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Trung tâm Văn hóa tỉnh; Đội chiêng trẻ Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa (Dòng tu nữ vương Hòa Bình - Giáo phận Buôn Ma Thuột) và một số đội chiêng tiêu biểu ở các huyện, thành phố. Đến nay, chương trình này vẫn nặng về hình thức trình diễn nghệ thuật hơn là tính cộng đồng/cộng cảm trong “môi trường thiêng” gắn với nghi lễ, nghi thức tín ngưỡng, tâm linh và hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc truyền thống. Hạn chế đó khiến Chương trình “Âm vang đại ngàn” thiếu chiều sâu - và dĩ nhiên không hấp dẫn, thu hút nhiều du khách, người dân đến tìm hiểu, trải nghiệm. Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, bình quân hai kỳ trình diễn/tháng có từ 500 – 700 người tham dự và thưởng lãm, con số khá thấp so với kỳ vọng.

“Trông người mà ngẫm đến ta” để có sự học hỏi, điều chỉnh chương trình/sản phẩm du lịch trên là điều cần quan tâm. Trong đó vấn đề kết nối, khuyến khích các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia và trao quyền tự quyết cho họ để xây dựng và thực hiện chương trình đúng với tinh thần cộng đồng (như Gia Lai đã làm) là gợi ý và cũng là mong mỏi của những người có tâm huyết với Chương trình “Âm vang đại ngàn” hiện nay và trong tương lai.

 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.