Gấm vóc của buôn làng
Nếu gọi thổ cẩm là gấm vóc, sẽ có người thắc mắc: thổ cẩm là thứ vải mộc mạc, đâu phải lụa gấm cao sang?
Nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ lịch sử ra đời, công phu đan dệt, vẻ đẹp đặc sắc của thổ cẩm; và nữa, nếu bạn nhìn thấy hoa hậu H’Hen Niê thướt tha trong bộ váy thổ cẩm trên sàn diễn thời trang, hẳn là bạn sẽ thốt lên: ôi thổ cẩm, sao mà lộng lẫy đến thế!
Lần ngược trang sử nhân loại, sẽ thấy thổ cẩm đã từng là loại vải xa xỉ tạo ra bộ trang phục sang trọng dành cho giới quý tộc và người giàu có. Khi con người nghĩ đến việc tạo ra bộ trang phục thay cho những vật che thân thô sơ thì tấm vải thổ cẩm ra đời. Vì vậy, thổ cẩm đã có mặt từ xa xưa, ở khắp nơi trên thế giới.
Sách “Khảo sát về lịch sử trang phục” xuất bản tại New York (Mỹ) năm 2009 cho biết vào thời Đế chế Đông La Mã (từ thế kỷ 4), thổ cẩm là một trong số ít loại vải xa xỉ được giới quý tộc khắp Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông La Mã dùng may trang phục. Cũng trong thời kỳ này, thổ cẩm chỉ dành cho những người giàu có nhất, vì hoàng đế Đông La Mã tính giá cực cao cho loại vải này. Tác giả cuốn sách đã dùng từ “sang trọng” (luxurious) để nói về thổ cẩm: “Loại vải sang trọng này được làm thành quần áo hoặc đồ treo tường...”.
Ở Trung Quốc, việc sản xuất thổ cẩm bắt đầu từ thời Chiến Quốc, khoảng từ thế kỷ 5 trước công nguyên, tức là từ hơn 2.500 năm trước. Nhiều sản phẩm thổ cẩm đã được tìm thấy dưới các ngôi mộ của thời kỳ đó (theo sách “Trung Quốc: Năm nghìn năm lịch sử và văn minh”, Nhà xuất bản Đại học Hồng Kông 2007). Trong tiếng Trung Quốc, người ta dùng từ “cẩm đoạn” để gọi tên loại vải thổ cẩm. Từ điển Hán Việt giải thích: “cẩm” là vải gấm, “đoạn” là một loại vải lụa. “Cẩm đoạn” là một thứ lụa quý, vừa như gấm, vừa như đoạn.
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Tiếng Việt gọi loại vải đó là thổ cẩm, cũng là một sự tôn vinh giá trị của nó. Theo từ điển Hán Việt, “cẩm” có nghĩa là gấm, một loại vải đẹp và quý, “thổ cẩm” là một loại vải đẹp như gấm của người bản địa. Thổ cẩm là gấm vóc của buôn - bản - sóc - phum - palay (những từ có nghĩa là “làng” của các dân tộc thiểu số).
Lần ngược lịch sử và tra tìm nghĩa gốc của thổ cẩm để thấy rằng không phải chúng ta tự đề cao loại vải này, mà cả thế giới đã ghi nhận giá trị đó, từ ngàn xưa. Một loại vải được dệt thủ công, bằng những thứ sợi của thiên nhiên và màu nhuộm của đất trời, trang trí bằng những hoa văn của riêng mỗi sắc tộc, bền bỉ qua hàng tháng trời mới có được tấm vải. Mỗi dân tộc có cách dệt thổ cẩm riêng biệt, mỗi người thợ dệt lại có đường nét dệt riêng của mình. Mỗi dân tộc lại có hoa văn trang trí riêng trên thổ cẩm. Vì vậy, chỉ cần nhìn hoa văn trên váy áo của cô gái là biết ngay cô ấy là người dân tộc nào. Có thể nói, sự độc đáo của thổ cẩm thể hiện rõ nhất ở hệ thống hoa văn trang trí. Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng: “Hoa văn thổ cẩm cực kỳ cá tính. Mỗi sản phẩm được làm từ thổ cẩm đều là độc bản. 100 chiếc váy của người Mông Hoa không có cái nào giống nhau. Mỗi chiếc váy đại diện cho một cá tính và sự khéo tay của mỗi cô gái”. Công phu và độc đáo như vậy, làm sao mà không quý, không hiếm!
Thứ gấm vóc ấy ẩn giấu một vẻ đẹp lộng lẫy sau những sắc màu rực rỡ hoang dã. Không chỉ đẹp và quý giá, thổ cẩm còn là loại vải thân thiện môi trường vì nó được dệt và nhuộm từ các vật liệu của thiên nhiên. Trang phục làm từ sợi thiên nhiên sẽ tự phân hủy trong đất, không hề gây ô nhiễm môi trường. Đó là thế mạnh của thổ cẩm mà các loại vải công nghiệp không thể có được, rất phù hợp với xu hướng thời trang bền vững mà cả thế giới đang theo đuổi. Vậy thì, ngành dệt may và thời trang đã khai thác thế mạnh này ra sao, để nếu chưa thể mang lại sự khá giả cho người dệt may thổ cẩm thì cũng cho thế giới biết đến văn hóa thổ cẩm của 54 dân tộc ở Việt Nam?
Khoảng hơn mười năm trở lại đây, thổ cẩm Việt đã xuất hiện trên các sàn biểu diễn thời trang quốc tế, nhờ vào sự năng động sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, cũng chỉ lâu lâu mới có một lần. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho rằng: “Nếu thổ cẩm Việt Nam được đưa vào những cuộc thi thiết kế thời trang lớn thì chất liệu này đến gần hơn nữa với thế giới”.
Du khách khi đến vùng sơn cước Đông Bắc Thái Lan, hoặc cao nguyên Dieng của Indonesia thường được đưa đến tham quan các xưởng dệt may thổ cẩm. Du khách không thể không trầm trồ với những sản phẩm thổ cẩm đẹp mê hồn. Nhìn những đoàn du khách nườm nượp tham quan và mua hàng thổ cẩm mà không khỏi tiếc nuối khi nghĩ đến thổ cẩm của 54 dân tộc trên khắp dải đất Việt Nam. Một kho tàng văn hóa đồ sộ đang chờ nhà đầu tư, với những dự án lớn, để tỏa sáng vẻ đẹp rực rỡ của gấm vóc buôn làng, và làm giàu cho ngành dệt may - thời trang Việt Nam.
Minh Tự
Ý kiến bạn đọc