Lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc
Trân trọng những giá trị truyền thống, người dân xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) dần nâng cao ý thức, chung tay gìn giữ và lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Sinh sống và lập nghiệp tại xã Cư Drăm đã hơn 20 năm nay, ông Dương Văn Tho (buôn Chàm A) được người dân nơi đây gọi với cái tên trìu mến là Ama Tuấn.
Dù không phải là người dân tộc thiểu số, nhưng ông lại mang trong mình tình yêu với văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây, từ đó góp phần cùng bà con gìn giữ văn hóa, "truyền lửa" cho thế hệ trẻ.
Ông Ama Tuấn tâm tình, khi đến vùng đất Tây Nguyên sinh sống và lập nghiệp, ông bị lôi cuốn bởi những nghi lễ, lễ hội rộn ràng với tiếng cồng chiêng vang vọng. Bắt nguồn từ sự tò mò, thích thú nên cứ có thời gian rảnh, ông lại theo chân các cụ già trong buôn học cách đánh cồng chiêng và tiếp xúc với văn hóa, con người nơi đây. Càng hiểu, ông lại càng yêu thích và trân trọng những giá trị truyền thống độc đáo đó.
Người dân trong xã Cư Drăm đang di chuyển ra bến nước thực hiện Lễ cúng bến nước. |
Cũng chính vì trân trọng những giá trị truyền thống đã khiến Ama Tuấn nhận ra lớp trẻ hiện nay không mấy mặn mà, tâm huyết với văn hóa dân tộc mình. Ông đã rất trăn trở, bởi mỗi lần địa phương tổ chức các hội thi, biểu diễn văn nghệ, có rất ít người biết về văn hóa truyền thống và tích cực tham gia hưởng ứng. Để những giá trị văn hóa dân tộc không bị mai một trước nhịp sống hiện đại, ông đã xin ý kiến UBND xã và bàn bạc với các già làng trong buôn để tự đứng ra thành lập những lớp học đánh cồng chiêng vào dịp hè cho các em học sinh. Không chỉ vận động các em đến học và cùng những người lớn tuổi trong buôn truyền dạy đánh cồng chiêng, ông còn tự bỏ kinh phí mời các thầy giáo có kinh nghiệm trên địa bàn huyện đến giảng dạy. Sau bốn tháng luyện tập, các em đã đánh thành thạo cả chiêng tre và chiêng đồng. Qua hai năm triển khai, Ama Tuấn đã mở được 4 lớp đánh cồng chiêng cho 24 học sinh từ 14 – 18 tuổi. “Hiện vẫn còn rất ít người trẻ biết và hiểu về văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Để tiếp tục lan tỏa nét đẹp văn hóa này đến mọi người, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, rất cần sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương”, ông Ama Tuấn chia sẻ.
Nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Êđê được gia đình anh Y Wil Êban (Trưởng buôn Chàm A) trân quý và gìn giữ. |
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, anh Y Wil Êban (Trưởng buôn Chàm A) đã tích cực tìm tòi, học hỏi, tuyên truyền người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hiểu được vai trò, trách nhiệm của người "đầu tàu", anh tâm niệm rằng: “Để bà con hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, thì chính mình cũng phải là một người am hiểu, lan tỏa được những điều tốt đẹp về phong tục, tập quán, tình yêu với dân tộc mình”. Chính vì vậy, gia đình anh vẫn giữ ngôi nhà sàn truyền thống và bộ chiêng đồng gồm 13 cái của bố mẹ để lại. Anh còn dành dụm tiền mua trống da trâu (trị giá 10 triệu đồng) cùng một số ché cổ khoảng 40 năm tuổi. Với mong muốn góp nhặt, hoàn thiện từng nét văn hóa của dân tộc mình, anh vẫn tìm kiếm mua những bộ chén đồng, làm ghế K'pan, nhạc cụ dân tộc… để con cháu có cơ hội hiểu biết về nguồn cội của mình. Cùng với đó, gia đình anh vẫn giữ thói quen nấu rượu cần để phục vụ các nghi lễ trong gia đình và người dân trong buôn.
Ông Trần Thế Tôn, cán bộ văn hóa xã Cư Drăm cho biết, địa phương có 14 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 73% dân số. Với sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền xã, người dân trên địa bàn đã dần nâng cao ý thức, tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện thông qua việc tặng nhạc cụ truyền thống, mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho trẻ em..., các nghi lễ như cúng bến nước hay nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần vẫn hiện diện trong đời sống hằng ngày của người Êđê; các trò chơi dân gian như: ném pao, ném còn, ném cù, hát trao duyên… của người Mông vẫn duy trì và trở thành nét đẹp của người dân nơi đây. Từ đó đã tạo nên bức tranh đa dạng sắc màu văn hóa, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng sâu.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc