Multimedia Đọc Báo in

Hy vọng từ sự trao truyền, tiếp nối…

06:33, 20/08/2023

Đầu tháng 8/2023, TP. Buôn Ma Thuột bế giảng ba lớp truyền dạy diễn tấu ching kram, múa xoang và đàn tính – hát then. Hơn một tháng hè trôi qua, 150 học viên từ 8 - 20 tuổi của hai lớp học tấu ching, hai lớp múa xoang và một lớp đàn tính – hát then mới ngày nào còn bỡ ngỡ giờ đã tấu và đàn hát, múa được hai bài cơ bản.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, TP. Buôn Ma Thuột - trong khuôn khổ của Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột” - đã tổ chức rất nhiều lớp truyền dạy diễn tấu ching cho thanh thiếu niên của 33 buôn trên địa bàn. Buôn Ma Thuột cũng là nơi đầu tiên tổ chức lớp tập huấn về phương pháp truyền dạy tấu ching knah cho chính các nghệ nhân buôn làng. Trong năm 2022 lần đầu tiên TP. Buôn Ma Thuột tổ chức lớp truyền dạy cơ bản múa Êđê, cũng lại là nơi lần đầu tiên tổ chức Liên hoan hát then – đàn tính mở rộng có tới 7 câu lạc bộ huyện tham dự.

Biểu diễn ching kram trong lễ bế giảng các lớp học.

Người hàng chục năm nay âm thầm theo đuổi việc truyền cảm hứng về nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên Êđê ở TP. Buôn Ma Thuột là Nghệ nhân dân gian ưu tú Y Hiu Mlô. Chính ông và nghệ nhân trẻ Y Bay Kbuôr ở buôn Kmrơng A (xã Ea Tu) cùng tham gia truyền dạy cho 50 học viên tại hai lớp học ching kram lần này. Y Hiu cũng vô cùng sáng tạo khi lần đầu tiên cho hai tốp cùng lúc trình tấu âm hưởng của dàn ching knah đủ (9 chiếc); trong số này có 2/5 dàn ching nữ.

Thuở xa xưa, múa xoang ở Tây Nguyên chỉ được thực hành trong các nghi lễ, như một sự dâng hiến vẻ đẹp hình thể lên các vị thần linh. Rồi xoang đi dần từ tâm linh đến sinh hoạt, để phục vụ sự giải trí của cộng đồng. Xoang sinh hoạt hiện nay phổ biến ở hầu hết các cộng đồng tộc người Tây Nguyên. Nhưng múa Êđê là một trong số ít những tộc người có động tác múa định hình thì chắc ít người biết. Chỉ với hai điệu múa cổ Pah kngan drong Yang – Vỗ tay gọi Yang và Grứ phiơr – Chim Grứ bay đã ghi dấu ấn múa Êđê trong hệ thống cơ bản múa Tây Nguyên của ngành múa Việt Nam. Từ hai điệu múa cổ này, giảng viên Phạm Diệp Thu Hà đã lách tỉa để truyền dạy và hướng dẫn hàng chục thiếu nữ Êđê, tự dàn dựng 7 vũ điệu dân gian Mời rượu, Chim Grứ trên nền nhạc của ching kram và ching knah. Thú vị hơn là có thêm hai chàng thiếu niên vô cùng đẹp trai của buôn Alê A cũng tham gia múa một cách rất tự tin.

Năm 2006, khi được khảo sát ý kiến để xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột”, bà con người Mường và người Tày ở thôn Cao Thắng (xã Ea Kao) đã bày tỏ sự băn khoăn: “Chúng tôi cũng muốn gìn giữ chiêng Mường và đàn tính lắm, nhưng không có kinh phí để mua nhạc cụ và truyền dạy”. Vậy mà, trong ngày bế giảng lớp học đàn tính – hát then tháng 8/2023 này, có tới 18 chiếc đàn tính với các diễn viên xúng xính trong trang phục truyền thống Tày đậm màu chàm biểu diễn (trong đó có 6 bé gái 8 - 10 tuổi đàn và hát thuần thục bài Đi học – sáng tác của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo). Mong lắm một Liên hoan đàn tính – hát then lần thứ hai!

Các học viên biểu diễn đàn tính

Trong ngày bế giảng các lớp học, cô bé H’Lệ Bing Eya (ở buôn Ea Rang, phường Khánh Xuân) đã xúc động bày tỏ lòng biết ơn sự tâm huyết của các nghệ nhân, giáo viên đã giúp các em không chỉ biết đến cội nguồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn tự hào và hiểu rõ rằng, văn hóa truyền thống không thể lẫn giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Như vậy, có thể yên tâm về sự trao truyền của ba môn nghệ thuật diễn xướng: tấu ching kram, múa xoang và hát then – đàn tính, đã được thế hệ trẻ TP. Buôn Ma Thuột tiếp nhận hôm nay. Mong các hình thức này tiếp tục được lan tỏa ở nhiều huyện thị hơn nữa. Cũng mong rằng bên cạnh ching, còn có nhiều nhạc cụ dân gian khác, như đing năm, đing tut, brố, gong, những làn điệu dân ca arei, kuưt, thậm chí cả các nghề thủ công như dệt, đan mây tre, tạc tượng gỗ… sẽ được các địa phương lưu tâm truyền dạy. Thông qua đó, mọi người có thể “hiểu để yêu”; và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục được bảo tồn, tiếp nối…

H'Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.